Blog

Hành trình tiên phong chuyển đổi số

icon icon

Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội tổ chức lễ Kỷ niệm 20 năm nhà trường nâng cấp lên đại học, 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Tới dự có nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm; Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện các bộ, ban, ngành, đơn vị có liên quan cùng toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường.

Cách đây 20 năm, Trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục Trung ương số 1 được Chính phủ nâng cấp thành Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Tây (nay là Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội), đánh dấu mốc phát triển đi lên của ngành giáo dục thể chất, như một cú hích vượt bậc trong chặng đường xây dựng và phát triển của ngành giáo dục.

Từ trường đào tạo ở trình độ cao đẳng, đến nay đã và đang đào tạo ở trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Từ trường đào tạo đơn ngành, quy mô nhỏ, đến nay đã trở thành trường đào tạo đa ngành với quy mô lớn với nhiều ngành nghề được xã hội đánh giá cao như: Ngành Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Huấn luyện thể thao…

Từ năm 2003 đến nay, nhà trường đã đào tạo được hơn 20.000 sinh viên có trình độ ại học, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước. Đào tạo trên 300 học viên có trình độ thạc sĩ, đang tiến hành đào tạo 3 khóa nghiên cứu sinh.

Cách đây 20 năm nhà trường chưa có cán bộ giảng viên nào đạt trình độ tiến sĩ, đến nay trong tổng số 220 cán bộ, viên chức đã có 3 phó giáo sư; 3 giảng viên cao cấp; 70 giảng viên chính; 24 tiến sĩ; 100% giảng viên đạt chuẩn, trong đó có nhiều người là trọng tài quốc gia, quốc tế…

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng gửi lời chúc mừng đến các thầy giáo, cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, đồng thời đánh giá cao sự lớn mạnh, phát triển về mọi mặt của Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội trong 20 năm qua.

Trong bối cảnh tự chủ đại học và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi mỗi nhà trường phải có sự thay đổi mạnh mẽ, mà trước hết là từ tư duy quản trị, Thứ trưởng đề nghị tập thể sư phạm nhà trường tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng; tiếp tục đổi mới công tác quản trị theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Nhấn mạnh phát triển đội ngũ là trọng tâm của mọi sự phát triển, Thứ trưởng đề nghị nhà trường chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục; triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030. Rà soát đánh giá đúng thực trạng đội ngũ, tăng cường thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong nhà trường, đặc biệt là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ.

Về chương trình đào tạo, tập thể sư phạm nhà trường phải thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hội nhập quốc tế. Định hướng phát triển đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực trên cơ sở nhu cầu xã hội, đi đôi với nâng cao chất lượng theo các chuẩn mực quốc tế. Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo sinh viên nước bạn Lào, thắt chặt mối quan hệ giữa Việt Nam – Lào.

Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học, tổ chức quốc tế để tranh thủ kinh nghiệm, tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến và công nghệ đào tạo hiện đại. Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, địa phương để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Nhà trường đồng thời lấy nhu cầu của thực tiễn sản xuất làm mục tiêu đổi mới hoạt động giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo.

Ngoài những yêu cầu chung đối với một cơ sở giáo dục đại học, Thứ trưởng lưu ý nhà trường tập trung vào những yêu cầu đặc trưng của một trường sư phạm,  đó là đào tạo đội ngũ giáo viên thực hiện nhiệm vụ chính trị cao cả là “trồng người”. Trong đó, nội dung, chương trình đào tạo cần được nghiên cứu phù hợp với yêu cầu của người giáo viên trong giai đoạn mới, gắn với đặc điểm của các nhà trường phổ thông và gắn với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông của từng giai đoạn.

Việc đào tạo đội ngũ giáo viên tương lai cần phải được nghiên cứu bài bản, khoa học và nhà trường cần chủ động tham mưu cho Bộ trong việc xây dựng các chương trình nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó tính sư phạm gắn với phổ thông, gắn với học sinh, tăng tính thực hành, thực tế.

Về cơ sở vật chất, nhà trường cần tiếp tục nâng cao điều kiện cơ sở vật chất đồng bộ, đạt tiêu chuẩn phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập có chất lượng. Nghiên cứu phát triển quy hoạch mở rộng thêm diện tích để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho Nhà trường vừa đáp ứng yêu cầu phát triển đào tạo vừa để phục vụ tốt cho các hoạt động thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế.

Với đặc điểm của một trường sư phạm, là nơi đào tạo ra các thầy, cô giáo trong tương lai, do đó ngoài việc chú trọng, phát triển về chuyên môn, thì công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống cho đội ngũ sinh viên cần phải được đặc biệt chú trọng. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị nhà trường chú trọng và làm tốt công tác nắm bắt tình hình, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống; thường xuyên quan tâm kịp thời cung cấp thông tin định hướng chính trị tư tưởng cán bộ, đảng viên, giảng viên, sinh viên.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng đã trao Quyết định của Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội; trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT cho các tập thể, cá nhân nhà trường đã có những thành tích, đóng góp đối với sự phát triển chung của ngành giáo dục và đào tạo.

Theo trung tâm Truyền thông và Sự kiện

Đối tác tin cậy của chúng tôi

Luôn đồng hành và hợp tác cùng chúng tôi để mang lại những sản phẩm tốt nhất.