Sáng 6/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Toạ đàm về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì tọa đàm.
Tham dự tọa đàm có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, các chuyên gia, lãnh đạo một số Sở GDĐT và cơ sở giáo dục đại học và Ban soạn thảo.
Quang cảnh tọa đàm
Xem thêm: Lãnh đạo Bộ GDĐT làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đang được Bộ GDĐT lấy ý kiến rộng rãi. Những điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Thông tư nhằm khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh thời gian qua và đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh.
Nhận khó về hệ thống, làm sao để các trường và thí sinh thuận lợi nhất
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, tọa đàm được tổ chức nhằm mục đích để các thầy cô là những người trực tiếp quản lý, đào tạo, có kinh nghiệm tham gia công tác tuyển sinh nhiều năm cùng hiểu rõ hơn về các nội dung dự kiến sửa đổi và bàn bạc, thống nhất, đưa ra các nội dung tối ưu, làm sao để làm tốt hơn những công việc hiện có.
Thứ trưởng chia sẻ, Bộ GDĐT luôn cầu thị, lắng nghe vì mục tiêu tốt hơn cho cả hệ thống. Những năm qua, những lần sửa đổi thông tư dù lớn hay nhỏ đều xin ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, thầy cô trực tiếp đào tạo, quản lý nhiều năm có kinh nghiệm để bàn bạc, đưa ra những gì tối ưu nhất.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc tọa đàm
Xem thêm: Gần 3.000 người tham gia Chương trình “Hành khúc học sinh Thủ đô”
Nhấn mạnh trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của xã hội với nhiều ràng buộc, Thứ trưởng cho rằng, công tác tuyển sinh vẫn cần thay đổi, hạn chế các bất cập bởi có tác động lớn trực tiếp đến các trường và thí sinh, nhất là trong bối cảnh tự chủ hiện nay.
Một trong những điểm sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Quy chế là chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Thứ trưởng cho rằng, việc cần nhìn nhận và có điều chỉnh về “xét tuyển sớm” là rất cần thiết để đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh.
Hơn nữa, điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Nhấn mạnh đây mới là thước đo, Thứ trưởng cho rằng cần quy về thước đo chung này. Đương nhiên quy đổi được là điều không dễ, nhưng vẫn cần phải bàn.
Khẳng định việc tuyển sinh của đại học, cao đẳng tác động rất lớn tới quá trình học ở giáo dục phổ thông, Thứ trưởng cho biết, việc có quy định chặt chẽ hơn nếu sử dụng học bạ để xét tuyển thì cần có kết quả học tập của cả năm lớp 12 cũng là hướng tới bảo đảm công bằng cho các thí sinh ứng tuyển. Nếu chỉ xét đến 5 học kỳ ở cấp THPT mà bỏ qua học kỳ hai của lớp 12 sẽ khiến cho nhiều em chủ quan và không tập trung học tốt đều các môn. Điều này sẽ rất khó khăn cho các em sau này khi vào đại học.
Đại biểu dự tọa đàm
“Ngoài ra, chúng ta cần đo được năng lực, khả năng học tập của thí sinh phải phù hợp và đáp ứng yêu cầu của từng ngành/chương trình đào tạo. Chúng ta cần xác định quan điểm là làm thế nào để công tác tuyển sinh đơn giản hóa, thuận lợi nhất cho các trường nhưng không được vi phạm những nguyên tắc chung của giáo dục, đó là công bằng, bình đẳng, chất lượng”, Thứ trưởng yêu cầu.
Theo Thứ trưởng, dự thảo chưa phải là cuối cùng nhưng có những điểm mới nhằm khắc phục một số bất cập. Việc dành quá nhiều thời gian và nguồn lực cho xét tuyển sớm sẽ tác động ngược trở lại giáo dục phổ thông. Giờ đây, dù có khó khăn vẫn phải làm, nhận cái khó về mình, làm sao để các trường và các thí sinh được thuận lợi nhất.
Đồng thuận cao với dự thảo, sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc
Tại tọa đàm, hầu hết các chuyên gia, các Sở GDĐT, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học bày tỏ đồng thuận, nhất trí cao với dự thảo thông tư và cho rằng, những điểm mới của dự thảo sẽ tháo gỡ được các vướng mắc.
Bà Vương Hương Giang, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, trong những năm qua, Sở GDĐT Hà Nội luôn là đơn vị có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và xác nhận nhập học vào các trường đại học, cao đẳng cao nhất trong cả nước với tỷ lệ nhập học ngày càng tăng dần. Cụ thể như: Năm 2022, số thí sinh đã xác nhận nhập học vào các trường là 52.529/92.464 thí sinh đăng kí xét tuyển, chiếm 56.81%; năm 2023, số thí sinh đã xác nhận nhập học là 69.540/98.208 thí sinh đăng kí xét tuyển, chiếm 70.81%; năm 2024, tính đến hiện nay số thí sinh Hà Nội đăng ký xét tuyển vào các trường là 107.127 thí sinh.
Bà Vương Hương Giang, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội bày tỏ nhất trí cao với dự thảo Thông tư
Đồng thuận với quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm của các trường đại học và quy định điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung, bà Vương Hương Giang cho biết: Trong những năm qua khi triển khai hỗ trợ thí sinh tham gia xét tuyển sớm, Sở GDĐT Hà Nội thấy bộc lộ một số tồn tại như với mong muốn trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng bằng chỉ tiêu xét tuyển sớm nên thí sinh đã làm nhiều hồ sơ đăng ký vào nhiều cơ sở đào tạo, dẫn đến các trường THPT mất rất nhiều thời gian, công sức để sao in học bạ, xác nhận hồ sơ cho thí sinh trong khi đây là thời gian cao điểm của Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Hơn nữa, sau khi có kết quả trúng tuyển, thí sinh không có tâm lý tiếp tục ôn tập, vì chỉ cần đạt được tốt nghiệp THPT, ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi và ảnh hưởng đến tâm lý ôn tập của các thí sinh khác. Vì thế, bà Hương Giang cho rằng, việc quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm và quy định điểm chuẩn trúng tuyển đảm bảo được sự công bằng giữa các thí sinh trong các đợt xét tuyển và giảm được được các tồn tại nêu trên.
Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cũng đồng tình với quy định việc xét học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, vì như vậy, đảm bảo đánh giá kiến thức của thí sinh trong toàn cấp THPT và tránh được hiện tượng học lệch, hoặc bỏ không học một số môn ở Học kỳ II năm lớp 12, vì chỉ học các môn để thi tốt nghiệp.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT đánh giá cao việc Bộ GDĐT tổ chức tọa đàm để lấy ý kiến, thống nhất những quy định, phục vụ sự phát triển chung của hệ thống.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT phát biểu tại tọa đàm
Khẳng định những gì Bộ GDĐT đã thực hiện và sửa đổi quy chế tuyển sinh trong những năm qua là vì mục đích nâng cao chất lượng, không chỉ chất lượng tuyển sinh, mà còn là chất lượng giáo dục phổ thông, đảm bảo công bằng cho các thí sinh, góp phần xử lý thí sinh ảo giúp các trường tuyển sinh theo kế hoạch, đơn giản hóa tối đa cho thí sinh, cho các trường, nhận cái khó về hệ thống… TS Lê Trường Tùng trân trọng và ghi nhận nỗ lực của Bộ GDĐT để phục vụ mục tiêu chung này.
Ủng hộ những thay đổi trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh ngành Cao đẳng Mầm non đang lấy ý kiến, TS Lê Trường Tùng cho rằng, vấn đề cần bàn hiện nay là nhìn nhận lại hệ thống tuyển sinh hiện tại và xem xét những sửa đổi làm sao cho khả thi và phù hợp. Theo đó, đối với việc xét tuyển sớm, thì các trường cần quy định rõ, chỉ được thông báo trúng tuyển sớm sau kỳ thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo không gây xáo trộn quá trình học tập, không ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi THPT.
Những thay đổi để phù hợp với tình hình mới là cần thiết và cần làm ngay
Cũng về vấn đề xét tuyển sớm, theo PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính, khi tất cả các trường đều xét tuyển sớm sẽ làm các trường phổ thông vất vả, khối lượng xác nhận nhiều, các em không quan tâm đến học kỳ 2 năm lớp 12. Có trường chỉ xét kết quả học tập của học sinh ở lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 nên có câu chuyện học sinh ăn Tết xong vào học kỳ 2 không tập trung học nữa.
PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính chia sẻ tại tọa đàm
“Do vậy, chúng tôi ủng hộ điểm mới trong dự thảo quy chế là nếu xét tuyển bằng học bạ THPT phải có đủ 6 học kỳ, để thí sinh tập trung học tập nghiêm túc đến cuối năm học. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát để các đơn vị thực hiện nghiêm quy chế; tăng cường chế tài về công tác thanh tra, hậu kiểm để công tác tuyển sinh đi vào nền nếp, hiệu quả”, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng trao đổi.
Giám đốc Học viện Tài chính đề nghị, cần mạnh dạn bỏ hình thức xét tuyển sớm, bởi con số 20% dành cho xét tuyển sớm không mang nhiều ý nghĩa. Đồng thời, đẩy sớm thời gian xét tuyển đợt 1 để đợt 2 các trường tiếp tục tuyển sinh những em có nguyện vọng thực sự.
Chung quan điểm trên, TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cho rằng, việc các em lơ là, không tập trung học ở thời điểm cuối năm lớp 12, hay các em chỉ tập trung học những môn học để thi ở THPT cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, làm mất cân bằng đến quá trình các em học đại học sau này. TS Võ Thanh Hải cũng ủng hộ việc bỏ hình thức xét tuyển sớm, cần siết chặt lại các quy định, để công tác tuyển sinh công bằng và hiệu quả hơn.
TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân trao đổi tại tọa đàm
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc xét học bạ THPT phải dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12 sẽ đảm bảo đánh giá toàn diện kiến thức của học sinh ở cấp THPT, tránh hiện tượng học lệch hay bỏ một số môn ở học kỳ 2 lớp 12.
PGS.TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng chia sẻ, ngành giáo dục và đặc biệt là công tác tuyển sinh luôn có áp lực xã hội lớn. Chúng ta xác định đầu vào quan trọng, nhưng cả quá trình đào tạo trong trường đại học mới quan trọng hơn cả, lãng phí về con người mới nguy hiểm hơn nhiều về vật chất. Do vậy, những thay đổi của Bộ GDĐT để phù hợp hơn với tình hình mới là cần thiết và cần làm ngay, bởi chất lượng đào tạo mới là đáng quý, điều này chính là thể hiện trách nhiệm với xã hội của các trường.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng kiến nghị với các trường có tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực, thì cần sớm đưa điểm thi lên hệ thống chung để thuận tiện cho tất cả các trường trong quá trình tuyển sinh; việc sửa đổi quy chế cũng cần nhìn vào yếu tố kỹ thuật, hạ tầng, để tránh vất vả cho hệ thống…
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy trao đổi tại tọa đàm
Cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu cho dự thảo thông tư, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết, công tác tuyển sinh tác động đến quá nhiều đối tượng liên quan, vì vậy, việc dự thảo nhận được nhiều ý kiến đồng thuận là điều đáng mừng. Đây cũng là thời điểm Bộ GDĐT mong muốn các trường đại học cần lên tiếng nhiều hơn, để cùng với Bộ GDĐT, các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông, để thống nhất cho dự thảo thông tư lần này trước khi ban hành chính thức trong thời gian tới.
Nhấn mạnh Ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho rằng, làm sao tất cả vì lợi ích của thí sinh đặt lên hàng đầu, đảm bảo sự công bằng, minh bạch, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo ở cả giáo dục phổ thông, lẫn đầu vào đại học, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.