Sáng 6-7, tại Hà Nội, Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Viện Đổi mới sáng tạo mở và doanh nhân công nghệ, Liên minh Digital Prosperity for Asia tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp năng động, sáng tạo và bền vững tại Việt Nam”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho biết: Đổi mới sáng tạo mở hiện nay đang được các nước trong ASEAN phát triển rất mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn ra thị trường quốc tế để gọi vốn, để phát triển thị trường buộc phải mở từ tư duy đến “trái tim”, “sải chân” dài hơn, “cánh tay” dài hơn để kết nối với nhau.
Ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh: “Chúng ta phải xây dựng hệ sinh thái mở từ phạm vi của trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn, vườn ươm cho đến thành phố, quốc gia”. Ông mong muốn tại hội thảo các chuyên gia đưa ra những sáng kiến để Việt Nam trong giai đoạn mới vừa hợp tác vừa cạnh tranh nhưng vẫn giữ được vị trí, nguồn nhân lực, tư duy sáng tạo, khả năng thay đổi phù hợp với môi trường mới.
Bà Đỗ Thị Thu Huyền, Giám đốc đào tạo kiêm Trưởng đại diện khu vực Bắc Âu Viện Đổi mới sáng tạo mở và doanh nhân công nghệ cho rằng: Trong kỷ nguyên số và độ “mở” của toàn cầu, đổi mới sáng tạo mở cho phép doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực bên ngoài hoàn thiện và tăng tốc phát triển sản phẩm, hoặc “mở ra” kết quả đổi mới sáng tạo phát triển trong nội bộ được sử dụng hiệu quả.
Đổi mới sáng tạo mở thúc đẩy trao đổi kiến thức, ý tưởng và hợp tác giữa doanh nghiệp – viện nghiên cứu – tổ chức quốc tế – Chính phủ – cá nhân. Đổi mới sáng tạo mở kết nối chủ sở hữu vấn đề với các cá nhân và doanh nghiệp, startup; khám phá giải pháp đột phá, giải quyết vấn đề và phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường.
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam, theo các chuyên gia, cần tăng cường sự phối hợp giữa 3 nhà (Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp), có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mở. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích sự sáng tạo đối với người trẻ.
Giải thích về chuyển đổi số, TS Lê Quang Minh, Phó viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của mỗi cá nhân, tổ chức về cách làm việc và phương thức sản xuất trên môi trường số dựa trên các công nghệ mang tính đột phá của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như: AI, Cloud Computing, BigData, IoT, Block Chain… Chuyển đổi số chính là hoạt động đổi mới sáng tạo sử dụng các công nghệ số. 3 cấp độ Chuyển đổi số: Số hóa, số hóa quy trình, chuyển đổi số.
Trong khuôn khổ hội thảo, Viện Đổi mới sáng tạo mở và doanh nhân công nghệ đã ký kết hợp tác với Liên minh Digital Prosperity for Asia nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam.
Theo Quân đội nhân dân