Blog

Hành trình tiên phong chuyển đổi số

icon icon

Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025

Ngày 16/8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng dự và phát biểu tại hội nghị.

Năm học 2023-2024, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo” ngành GDĐT TPHCM đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, cụ thể hóa các mục tiêu nhằm thực hiện trọng tâm xây dựng TPHCM là trung tâm lớn về Kinh tế, Văn hóa, GDĐT, Khoa học và Công nghệ.

Ngành GDĐT TPHCM cũng đã triển khai tốt các chương trình đánh giá học sinh theo chuẩn quốc tế; thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình đột phá thuộc lĩnh vực giáo dục, đi đầu trong nỗ lực đưa các chứng chỉ quốc tế về Anh văn và Tin học vào nhà trường, triển khai thực hiện hoạt động dạy học tiếng Anh tự chọn từ lớp 1.

Bên cạnh đó, mô hình Trường tiên tiến hiện đại theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế” góp phần trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết để hội nhập quốc tế, trở thành công dân đáp ứng nhu cầu của thành phố thông minh đã đạt được hiệu quả tích cực. Triển khai hiệu quả việc dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn đều được nâng lên.

Công tác chuyển đổi số được triển khai đồng bộ trong toàn ngành. Có hơn 80% trường học đã triển khai kho học liệu số, Sở GDĐT TPHCM đã tiến hành nghiên cứu về các chuẩn lưu trữ và liên thông chung cho học liệu số nhằm xây dựng kho học liệu số mở; xây dựng các tiêu chí kỹ thuật cho các học liệu số bao gồm việc tích hợp các công nghệ tương tác, hỗ trợ chia sẻ giữa các nền tảng E-learning, giúp thực hiện việc cá nhân hóa nội dung theo nhu cầu giảng dạy của giáo viên và đảm bảo về bản quyền.

Xem thêm: Phát động Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” lần thứ VII

Đặc biệt, hệ thống thông tin địa lý giáo dục (GIS) đã được hoàn thiện, 100% các quận, huyện tuyển sinh các lớp đầu cấp bằng hình thức trực tuyến.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, năm học 2023-2024, ngành GDĐT TPHCM đã phát huy được những thuận lợi, khắc phục khó khăn, nỗ lực đạt được nhiều kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực, bám sát nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm học đã triển khai đồng thời GDĐT thành phố đã cụ thể hoá dựa trên tình hình cụ thể của thành phố.

Theo Thứ trưởng, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, mỗi năm số học sinh tăng khoảng 25.000, áp lực trường lớp lớn nhưng thành phố đã thực hiện tốt chuyển đổi số, tạo điều kiện cho học sinh chưa có hộ khẩu vẫn được tham gia học tập.

TPHCM cũng có nhiều mô hình, chương trình, đề án thành công như mô hình lớp học số, mô hình lớp học mở, Đề án 5695 về “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” tại các trường công. Sở GDĐT TPHCM đã phối hợp với các trường đại học chăm lo, bồi dưỡng tốt cho cán bộ, giáo viên. Trong công tác quản lý, Sở GDĐT đã phân cấp, phân quyền và giao tự chủ cho các trường về tài chính, tuyển dụng.

“Để đạt được thành tích trên, ngành GDĐT TPHCM có những thuận lợi hết sức cơ bản. Trước hết đó là sự quan tâm chỉ đạo của Thành uỷ, UBND, các ban ngành, đó là sự thống nhất trong toàn ngành, điều này tạo ra môi trường giáo dục đoàn kết, tạo nên sức mạnh để thực hiện.

Bên cạnh đó, là kinh nghiệm lãnh đạo quản lý và tổ chức thực hiện của các trường ngày càng bài bản, cập nhật theo yêu cầu của nhiệm vụ. Ngoài ra, ngành Giáo dục thành phố cũng huy động được các nguồn lực rất tốt với sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp liên quan đến giáo dục…”, Thứ trưởng nhận định.

Thứ trưởng cho biết, Kết luận số 91 của Bộ Chính trị ngày 12/8/2024 tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đề nghị nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Bộ GDĐT sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình hành động thực hiện kết luận này. Tuy nhiên, TP.HCM cần chủ động nghiên cứu kỹ lưỡng để triển khai.

“Làm sao trong thời gian ngắn nhất, TP.HCM sẽ có những trường học đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai sớm nhất và nhiều nhất toàn quốc. TP.HCM đã có những nền tảng và điều kiện thuận lợi. Hiện chúng ta đã có căn cứ chính trị là Kết luận của Bộ Chính trị, căn cứ trong thực tiễn là 10 năm thực hiện đề án 5695”.

Liên quan đến những đổi mới thi từ năm 2025 để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm học này sẽ diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi các cấp theo chương trình mới. Vì vậy, Bộ GDĐT sẽ sớm ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT để các địa phương, nhà trường triển khai thực hiện. Bộ GDĐT sẽ có quy chế hướng dẫn thi tuyển sinh vào lớp 10 để các địa phương chủ động.

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GDĐT, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho biết: Ngoài đề án 5695, từ năm 2012, TP HCM đã triển khai đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP HCM và đến nay vẫn kiên trì thực hiện. Điều này phù hợp với Kết luận của Bộ Chính trị, trong đó yêu cầu từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học… TP HCM sẽ nghiên cứu các tiêu chí để chọn một số trường học thí điểm sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường.

Theo Trung tâm phát triển giáo dục và đào tạo phía Nam

 

 

Đối tác tin cậy của chúng tôi

Luôn đồng hành và hợp tác cùng chúng tôi để mang lại những sản phẩm tốt nhất.