Ngày 23/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức hội nghị tham vấn chính sách của dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi). Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao cùng đại diện một số cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).
Xem thêm: Tăng cường hoạt động quản lý, giáo dục và đảm bảo an toàn trong dịp hè năm 2025
Đề xuất 6 nhóm chính sách trong dự án Luật sửa đổi
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Năm 2024, Bộ GDĐT đã chức đánh giá 5 năm thực hiện Luật GDĐH. Qua quá trình đánh giá đã cho thấy những điểm nghẽn, không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Dự án Luật GDĐH sửa đổi không chỉ tập trung giải quyết những điểm nghẽn trong quá trình triển khai mà còn đáp ứng yêu cầu mới, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động cả về chính trị và xã hội. “Việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi cũng hợp với các chủ trương của Đảng, Nhà nước, hội nhập quốc tế thời gian qua. Do đó, đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Vì vậy, Bộ GDĐT mong muốn lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành để có cái nhìn tổng thể, khách quan trong quá trình xây dựng luật”, Thứ trưởng nói.
Thông tin tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Tiến Thảo cho biết: Có 6 nhóm chính sách đề xuất trong dự án Luật GDĐH sửa đổi là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến; hiện đại hóa chương trình và phương thức tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy học tập suốt đời; định vị cơ sở GDĐH là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao; tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa GDĐH; phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và môi trường học thuật sáng tạo, liêm chính; đổi mới cách tiếp cận, bảo đảm thực chất trong công tác bảo đảm chất lượng GDĐH.
Theo Vụ trưởng Nguyễn Tiến Thảo, dự thảo Luật GDĐH (sửa đổi) kế thừa các điều khoản nội dung không đổi của Luật GDĐH hiện hành. Các điều khoản cũng được xây dựng bảo đảm không trùng lắp với Luật Giáo dục, Luật Nhà giáo, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo…
Đề xuất cần rõ căn cứ, ưu tiên cho sự phát triển
Tại hội nghị, đại diện Cục Đào tạo, Bộ Công an, đánh giá cao những điểm mới sửa đổi trong dự thảo Luật GDĐH, đặc biệt đã có những quy định mang tính đặc thù cho lực lượng vũ trang. Đại diện Cục Đào tạo đề nghị bổ sung thêm về quy định cơ quan chủ quản, mô hình đào tạo đối với một số cơ sở GDĐH đặc thù của lực lượng vũ trang vào Luật GDĐH (sửa đổi).
Xem thêm: Giải pháp tự động hóa quy trình đào tạo dành cho doanh nghiệp
Đại diện Bộ Y tế cho rằng, Luật GDĐH (sửa đổi) cần làm rõ hai mô hình đại học và trường đại học, đặc biệt lưu ý về vai trò quản lý. Ngoài ra, đối với các ngành đặc thù như y tế, cần có quy định về trình độ chuyên môn, quy định về văn bằng quản lý.
Nhất trí nội dung, quan điểm xây dựng dự án Luật sửa đổi, đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh sự đột phá của lần sửa đổi này nằm ở tư duy đổi mới, tăng cường, chú trọng phân cấp, phân quyền và tự chủ đại học. Đây là hai quan điểm được Đảng, Nhà nước chú trọng và đã được Bộ GDĐT thể hiện rõ nét trong dự thảo Luật GDĐH sửa đổi. Ngoài ra, vị đại diện này cũng lưu ý cần cụ thể hơn về những chính sách liên quan đến quan hệ quốc tế trong GDĐH.
Đánh giá cao các nhóm chính sách mà Bộ GDĐT đang soạn thảo, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, dự án Luật GDĐH sửa đổi chỉ rất rõ những điểm mới, hợp với bối cảnh phát triển đất nước và thế giới hiện nay. Cùng với đó là những lưu ý về phương thức đào tạo, thí điểm các trung tâm đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học tại các trường đại học…
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận và cảm ơn các đại biểu đã bày tỏ sự nhất trí cao về quan điểm của dự án Luật GDĐH (sửa đổi).
Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý, Thứ trưởng đề nghị trong dự thảo Luật GDĐH (sửa đổi) sẽ bổ sung, điều chỉnh về một số nội dung liên quan đến hội nhập quốc tế trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư giáo dục, bảo đảm công băng, chất lượng.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng sẽ làm rõ hơn về các loại hình cơ sở giáo dục đại học. Đặc biệt là tạo bình đẳng giữa các loại hình này, thể hiện rõ hơn tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ trưởng cũng đề nghị, các cơ quan, bộ, ban, ngành, các cơ sở giáo dục đại học sớm hoàn thiện góp ý bằng văn bản về dự thảo Luật GDĐH (sửa đổi) với Bộ GDĐT. “Các ý kiến, đề xuất cần nêu rõ căn cứ, ưu tiên cho sự phát triển giảm thiểu các vướng mắc và làm tốt hơn cho nhiệm vụ của mình”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Trung tâm Truyền thông và Sự kiện