Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 về kiểm định chương trình đào tạo đại học và cao đẳng sư phạm (Thông tư 04) và thay thế các Thông tư có liên quan.
Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng ban hành kèm theo Thông tư 04 được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình đạo tạo phiên bản 3.0 của Tổ chức bảo đảm chất lượng thuộc mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Đông Nam Á (AUNQA). Khi AUNQA cải tiến bộ tiêu chuẩn đánh giá lên phiên bản mới (4.0), Việt Nam cần cập nhật để vừa phù hợp trong điều kiện của Việt Nam vừa bảo đảm sự hội nhập quốc tế và khu vực, nhất là trong thời gian Bộ GDĐT xây dựng báo cáo tham chiếu Khung trình độ giáo dục của Việt Nam với Khung trình độ ASEAN và sửa đổi bổ sung khung trình độ quốc gia Việt Nam trong năm học 2024-2025.
Xem thêm: Hoàn thiện mạng lưới giáo dục thường xuyên, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập
Khác với Thông tư 04, dự thảo Thông tư sửa đổi đã tích hợp hướng dẫn chuyên môn và biểu mẫu vào các phụ lục kèm theo. Bộ tiêu chuẩn trong dự thảo gồm 8 tiêu chuẩn và 52 tiêu chí kèm theo Phụ lục hướng đánh giá tiêu chí và Phụ lục các biểu mẫu. So với Thông tư 04, dự thảo sửa đổi rút gọn từ 11 tiêu chuẩn xuống 8 tiêu chuẩn, khắc phục được sự chồng chéo khi đánh giá theo tiêu chuẩn của Thông tư 04.
Dự thảo Thông tư sửa đổi quy định 10 tiêu chí điều kiện là các tiêu chí bắt buộc để chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đây là quy định đang được tổ chức FIBAA áp dụng (có 29/4 tiêu chí), quy định này cũng phù hợp với bối cảnh và thực trạng xây dựng và phát triển chương trình đào tạo tại Việt Nam hiện nay. Kết quả phân tích kiểm định chất lượng của hơn 1,2 nghìn chương trình đào tạo được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước từ năm 2017 đến nay cho thấy các tiêu chí không đạt (dưới 4 điểm theo quy định tại Thông tư 04, 38) chủ yếu về thiết kế, xây dựng và đánh giá chương trình như các tiêu chí: TC1.2; TC 2; TC3.1; TC5.1, 5.3; và TC10.3, 10.6 và TC11.5. Điều này cũng cho thấy việc xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn đầu ra và việc đánh giá người học; lấy ý kiến phản hồi của các bên liên quan phục vụ cải tiến chất lượng chương trình đào tạo đang là điểm yếu, cần thiết phải có quy định để các trường quan tâm thực hiện.
Dự thảo Thông tư sửa đổi thay đổi cách đánh giá tiêu chí tiêu chuẩn và chương trình đào tạo phù hợp với thông lệ quốc tế về kiểm định chất lượng. Theo quy định tại Thông tư 04đánh giá tiêu chí gồm 7 mức từ 1 -7; dự thảo sửa đổi hiện còn 2 mức (đạt/không đạt). Cách tiếp cận đánh giá tiêu chí 7 mức phù hợp để giúp phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong ở giai đoạn đầu mới làm quen và định hình mô hình quản lý chất lượng mà AUNQA tiếp cận xây dựng phù hợp với trình độ các cơ sở giáo dục đại học trong các nước ASEAN. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không phổ biến trong kiểm định chất lượng nhiều quốc gia và các tổ chức kiểm định quốc tế, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã thực hiện kiểm định đến chu kỳ 2 và có khoản 10 năm kinh nghiệm triển khai hoạt động kiểm định chất lượng đại học, nên cần điều chỉnh cách đánh giá.
Dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung quy định để mở rộng quyền của tổ chức kiểm định trong việc phát triển các công cụ đánh giá ngoài. Bộ GDĐT ban hành chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, quy trình và chu kỳ kiểm định. Trên cơ sở bộ khung 8 tiêu chuẩn 52 tiêu chí đánh giá cơ sở đào tạo do Bộ GDĐT ban hành, các tổ chức kiểm định được xây dựng hướng dẫn chuyên môn, các tiêu chí tích hợp đánh giá các chương trình đào tạo thuộc ngành chuyên sâu đặc thù theo quy định của Chính phủ. Phù hợp với nguyên tắc độc lập trong hoạt động kiểm định của các tổ chức kiểm định trong nước được quy định tại Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học hiện hành. Quy định này giúp các tổ chức kiểm định trong nước đáp ứng yêu cầu của tiêu chí liên quan trong hoạt động đánh giá ngoài (kiểm định của kiểm định) khi mời các các tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế đánh giá hoạt động của các tổ chức kiểm định (Tổ chức AQUAN, EQAR …)
Dự thảo Thông tư sửa đổi quy định về hình thức đánh giá, số lượng, thành phần của đoàn đánh giá ngoài, các phiên họp hội đồng và việc số hoá minh chứng, phù hợp với xu thế phát triển và yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục. Điều chỉnh các quy định liên quan đến yêu cầu đối với kiểm định viên tham gia đoàn dánh giá ngoài, trách nhiệm của trưởng đoàn, thư ký đoàn, giám sát đoàn, thực tập viên, thành viên hội đồng kiểm định phù hợp với thực tế.
Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cơ sở đào tạo trong việc cam kết về việc bảo đảm việc duy trì ngành, tự đánh giá đạt chuẩn chương trình đào tạo, giảm tài việc hành chính đối với kiểm định viên, để thực hiện đúng tinh thần của kiểm định chất lượng đó là tư vấn, hỗ trợ. Quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan thuộc Bộ GDĐT và việc phối hợp giữa các đơn vị trong hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục.
Đối với việc tích hợp vào dự thảo Thông tư sửa đổi Phụ lục I- Hướng dẫn đánh giá tiêu chí được xây dựng theo nguyên lý và theo định hướng PDCA; gợi ý và giúp cho các trường chủ động trong việc thực hiện hoạt động bảo đảm chất lượng theo chu trình PDCA và giúp kiểm định viên kiểm tra cách trường vận hành, hoạt động để tạo ra minh chứng. Hướng dẫn không đưa ra các yêu cầu định lượng gắn với việc ‘có minh chứng’ để hạn chế việc đối phó trong quá trình tạo ra minh chứng cung cấp cho đoàn đánh giá ngoài.
Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, số biểu mẫu, số trang trong báo cáo tự đánh giá, báo cáo đánh giá ngoài… đều giảm so với quy định trong Thông tư 04.
Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 04 sau khi được ban hành sẽ bãi bỏ các Thông tư quy định tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo một số ngành đặc thù do quy định của các Thông tư này không tương thích với quy định hiện hành về cách đánh giá tiêu chí, tiêu chuẩn.
Theo Trung tâm Truyền thông và Sự kiện