Ngày 19/10, tại Đại học Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện gần 40 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam là những cơ sở đào tạo có quy mô lớn các ngành phù hợp, ngành gần với chuyên ngành thiết kế chip bán dẫn.
Cùng dự còn có đại diện các doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn (Tập đoàn Intel, Synopsys Việt Nam, Cadence, Qorvo Việt Nam, Tổng công ty công nghệ cao Viettel, VNPT Technology Việt Nam,…) và một số chuyên gia trong ngành công nghiệp chip bán dẫn.
Hội thảo nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức và quyết tâm cùng hợp lực hành động giữa các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu với sự quan tâm, đầu tư, kiến tạo cơ chế chính sách của Nhà nước, sự đồng hành tích cực của các địa phương, doanh nghiệp sẽ thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn của đất nước.
Bộ GDĐT đang xây dựng kế hoạch hành động
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định: Công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, người học và các cơ sở đào tạo sẽ ưu tiên lựa chọn, đầu tư vào những ngành nghề có chi phí đào tạo thấp mà thị trường lao động trước mắt có nhu cầu lớn. Vì vậy, mặc dù ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay song số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp.
Thứ trưởng cho biết: Thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT đang xây dựng kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.
“Để thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng này, không ai khác chính là các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chủ yếu”, Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, để có thể tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ vi mạch đáp ứng yêu cầu phát triển, như dự báo của một số cơ quan, tổ chức, sẽ có nhiều việc cần phải làm.
Trong đó cần đánh giá đúng thực trạng, năng lực hiện có, tiềm năng phát triển, cơ hội và thách thức, từ đó đặt ra mục tiêu và các kịch bản để xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nghiên cứu cho ngay những năm tiếp theo và cả giai đoạn tới 2030.
Đề cập tới một số nhiệm vụ cụ thể, Thứ trưởng nhắc tới nhiệm vụ đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm…
Cùng với đó là cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này.
Đồng thời, cần xây dựng những hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực…
Đánh giá cao sự chủ động của các trường đại quyết tâm của các cơ sở giáo dục đại học, nhất là 5 cơ sở giáo dục đại học: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã có sáng kiến cùng tổ chức hội thảo và ký kết văn bản hợp tác để hình thành liên minh đại học đào tạo lĩnh vực công nghệ bán dẫn, Thứ trưởng cho rằng, hoàn toàn có thể tin tưởng các cơ sở giáo dục đại học đã sẵn sàng vào cuộc, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chuyển đổi để nhanh chóng cùng gánh vác nhiệm vụ này.
“Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không thể chỉ là nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục đại học hay của các bộ ngành, để thành công cần có sự tham gia, phối hợp của các doanh nghiệp, của địa phương, của các trường phổ thông và của toàn xã hội”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Cần xây dựng hợp tác liên minh nhiều bên
Từ góc độ địa phương, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chia sẻ, TP Đà Nẵng có một nền tảng, điều kiện rất thuận lợi trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Đà Nẵng đã chủ động, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực chip bán dẫn và các ngành công nghệ khác nói chung đến thành phố để hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau, kể cả trong nghiên cứu thiết kế, đóng gói kiểm thử lẫn trong sản xuất, thương mại hóa sản phẩm.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng tin tưởng, sau Hội thảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, sẽ tạo dựng được liên minh gồm các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ để cùng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành chip bán dẫn, góp phần vào sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, đại diện các cơ sở giáo dục đại học đã báo cáo tham luận với các chủ đề thời sự, xuất phát từ nhu cầu và thực tiễn như: Xây dựng chương trình đào tạo dựa trên yêu cầu công nghệ thiết kế và chế tạo chip bán dẫn tại Đại học Bách khoa Hà Nội; Thiết kế chip bán dẫn: Đào tạo và nghiên cứu tại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn – thực trạng và định hướng phát triển tại Đại học Quốc gia Hà Nội; Định hướng đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực thiết kế chip tại Đại học Đà Nẵng; Tầm quan trọng của nhân lực thiết kế vi mạch đối với ngành thông tin và truyền thông Việt Nam.
Báo cáo thực trạng và định hướng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chip bán dẫn trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Anh Dũng cho biết: Trong những năm qua Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM, trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông (ICT), các ngành phục vụ nhân lực Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – AI, Bigdata,…
Cụ thể, trong giai đoạn 2019-2022, số tuyển mới sinh viên đại học khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%. Ba lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hàng năm mạnh nhất là Máy tính và công nghệ thông tin (17,1%), Công nghệ kỹ thuật (10,6%)
Các ngành phù hợp (điện tử-viễn thông, vi điện tử…): tuyển mới khoảng 6.000 và tốt nghiệp khoảng 5.000/năm (gia tăng trung bình 7%/năm). Các ngành gần (cơ điện tử, tự động hóa, kỹ thuật máy tính…): tuyển mới khoảng 15.000 và tốt nghiệp khoảng 13.000/năm (gia tăng trung bình 10%/năm).
Để đẩy nhanh việc đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chip bán dẫn chính sách, theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, cần có cơ chế, chiến lược, khuyến khích phát triển công nghiệp bán dẫn; cần có cơ sở vật chất và các phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại…; cần có chương trình đào tạo, học liệu, công nghệ giáo dục (phần mềm mô phỏng, thiết kế,…)…
Ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, hiện nay, Bộ GDĐT đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng vào cuối năm nay 2 đề án quan trọng: Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao, trong đó đề xuất các chính sách hỗ trợ khuyến khích chung cho phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực STEM và công nghệ cao nói chung, trong đó có lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch; Đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0, trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư để để chuẩn bị hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau đại học ở các lĩnh vực công nghệ cao.
Từ góc độ đề cập tới nhu cầu nguồn nhân lực, đại diện một số doanh nghiệp, chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên ngành liên quan cũng đã có những chia sẻ tại Hội thảo. Đại diện Công ty Synopsys Việt Nam trao đổi xung quanh nhu cầu nguồn nhân lực và kinh nghiệm hợp tác đào tạo của các công ty thiết kế vi mạch tại Việt Nam. Đại diện Công ty Qorvo Việt Nam chia sẻ về nhu cầu nhân lực và chính sách hỗ trợ đào tạo.
Nhân dịp này, 5 cơ sở giáo dục đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ cùng ký kết Biên bản Hợp tác liên minh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động cùng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để sẵn sàng đảm bảo, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp bán dẫn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn toàn cầu từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045; thống nhất đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để phát triển số lượng người học, tạo dựng đội ngũ chuyên gia về bán dẫn trong các cơ sở giáo dục đại học.
“Đây là trách nhiệm, sứ mệnh mà không được để lỡ nhịp này”
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Ngày hôm nay 19/10 chắc chắn sẽ là ngày đáng nhớ trong chặng đường chúng ta góp sức vào sự tạo dựng và phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam trong tương lai.
Nhắc tới chữ “Thời”, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đây là một thời điểm, thời khắc, thời cơ. Các trường đại học nếu cách đây 20 năm chưa chắc gánh vác được trách nhiệm này, nhưng với tiềm lực hiện nay của hệ thống đại học cả công, cả tư, với hệ thống doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự quan tâm của Chính phủ, các địa phương… “thời cơ đã chín muồi”.
“Nếu phát triển được lĩnh vực công nghệ bán dẫn, chúng ta nâng tầm được vị thế của đất nước. Câu chuyện này không phải chỉ là câu chuyện của một lĩnh vực sản xuất bình thường. Lãnh đạo Bộ GDĐT ý thức được sâu sắc trách nhiệm, sứ mệnh của ngành và xác định, đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên số 1 trong các chỉ đạo chuyên môn của phần giáo dục đại học, trước hết trong năm 2024 và các năm sau”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng nhắc tới từ “cao” với chia sẻ “nhu cầu đang cao”; đây là lĩnh vực công nghệ cao, cần đầu tư cao, yêu cầu cao, kỳ vọng cao, người học có thể có lương cao… nhưng phải đào tạo với tinh thần chất lượng cao. “Cho nên cần thống nhất một điều câu chuyện mới chỉ là bắt đầu, khó khăn còn chống chất phía trước. Cần xác định tinh thần như vậy và với quyết tâm rất cao mới làm được”, Bộ trưởng gửi gắm.
Đề cập tới việc “cần có các giải pháp đột phá”, Bộ trưởng lưu ý, đây là ngành mới, không thể phát triển bằng kinh nghiệm cũ, thói quen cũ, cách làm cũ, mà phải có cách làm, tầm nhìn thực sự mới mẻ. Trong đó, trước hết những giải pháp về mặt thể chế.
“Về phía Bộ GDĐT sẵn sàng ban hành Thông tư và quy chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, liên kết đào tạo, để sử dụng chương trình của nhau, sử dụng chương trình của nước ngoài… Với các thành tố của đào tạo, các trường cần nghĩ đột phá hơn nữa, đừng quá rụt rè. Trách nhiệm của Bộ GDĐT là tạo ra niềm tin, chỗ dựa pháp lý và chỉ đạo để các trường có thể thực hiện được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng mong muốn cần hướng đến tư duy toàn cầu. Phải phát triển cả nghiên cứu và đào tạo, nghĩ đến tương lai có ngành công nghiệp bán dẫn riêng của Việt Nam và cung cấp nguồn nhân lực cho nước ngoài nữa. Hãy ao ước đến một ngày giảm xuất khẩu lao động giản đơn như bây giờ để nghĩ đến có một lớp người đi làm cho thế giới với nguồn thu nhập khác và tư thế khác. Nhưng cũng phải có lộ trình, không thể ào ào.
Chia sẻ cụ thể về trách nhiệm của Bộ GDĐT, Bộ trưởng cho biết: Bộ GDĐT sẽ chuẩn bị về thể chế, luật chơi, cái gì làm được sẽ làm ngay. Trong đó, chủ trì xây dựng một kế hoạch để phát triển và sẽ có một bộ phận điều hành để có sự điều phối chung. Sẽ chỉ đạo để trong thời gian sớm nhất hoàn thành chuẩn chương trình đào tạo cho các nhóm ngành đào tạo này và các đơn vị tổ chức xây dựng chương trình, phê duyệt chương trình theo cơ chế đặc biệt. Nhưng phải đảm bảo niềm tin về chất lượng, không thể bỏ quan yêu cầu về chất lượng.
“Giải pháp nhiều, quyết tâm lớn, thành bại lại ở chính con người”, chia sẻ điều này, Bộ trưởng đề nghị, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học cần chuyển tải tinh thần xuống đến chuyên gia, từng nhân viên. Tận dụng tự chủ đại học đã và đang có vận dụng cho việc này tối đa. Sau cuộc này, các đơn vị có kế hoạch thành lập các đơn vị nếu cần thiết. Về mặt tổ chức cân nhắc ưu tiên về tài chính, cân nhắc các kiến nghị cần có, giải pháp và lộ trình. Sau Hội thảo hôm nay cần công bố với xã hội một vài việc chúng ta sẽ làm trong thực tế của năm 2024.
“Lãnh đạo Bộ GDĐT bày tỏ quyết tâm rất cao, mong các cơ sở giáo dục đại học đều tự xác định được trách nhiệm, nghĩa vụ, vinh quang khi tham gia vào công việc đào tạo, nghiên cứu rất lớn nào. Trường nào có quyết tâm và giải pháp đúng trường ấy sẽ có sự bứt phá; trường nào tham gia không đủ quyết tâm, giải pháp sẽ bị bỏ lại phía sau và khoảng cách giữa các trường sẽ còn gia tăng. Bộ GDĐT ủng hộ những trường quyết tâm, để cùng nhau có những kết quả trong thực tế, từ đây làm thay đổi cái nhìn của thế giới, xã hội, đất nước về hệ thống giáo dục đại học.
Tất cả cùng nhau cố gắng cho một mục tiêu chung không chỉ là việc làm mà là vấn đề vị thế quốc gia. Mong chúng ta cùng nhau cố gắng và có giải pháp phù hợp để có kết quả trong hiện thực, chứ không chỉ là khẩu hiệu, phong trào”, Bộ trưỡng Nguyễn Kim Sơn nói.