Blog

Hành trình tiên phong chuyển đổi số

icon icon

Nhìn lại 10 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục (Nghị quyết 29), sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả quan trọng, chuyển biến mạnh mẽ cả về chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Nhìn lại 10 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Những tín hiệu tích cực

Từ khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với bậc THCS, những tiết học Lịch sử của thầy Nguyễn Văn Lực – THCS Trịnh Phong, Khánh Hòa đầy ắp niềm vui, tiếng cười.

Thay vì thầy đọc, trò chép, truyền thụ kiến thức 1 chiều như trước kia, các em học sinh được tham gia nhiều hoạt động hơn, giáo viên được trao quyền tự chủ, dạy học phát huy phẩm chất năng lực, sự sáng tạo, tư duy của mỗi học trò.

“Giáo viên chúng tôi sẽ giao nhiệm vụ cho các em, chủ động về nhà tìm hiểu, thảo luận nhóm trên lớp, chẳng hạn tìm hiểu về 1 nhân vật lịch sử, 1 sự kiện lịch sử… Buổi hôm sau, từ sự chuẩn bị của mình, các em sẽ được chia nhóm, thuyết trình, trao đổi, thảo luận với nhau. Thầy cô chỉ là người hướng dẫn và sau đó, tổng kết lại vấn đề. Với cách học như vậy, môn Lịch sử không còn là những con số, sự kiện khô khan, nhàm chán” – thầy Lực chia sẻ.

Tư duy và phương pháp giáo dục đã có sự thay đổi, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Đây cũng là lần đầu tiên việc xã hội hóa giáo dục trong biên soạn sách giáo khoa cũng được áp dụng với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân. Sách giáo khoa không còn là “pháp lệnh” mà chỉ đóng vai trò là tài liệu học tập.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, những định hướng đổi mới về GDĐT trong Nghị định 29 đã tạo điều kiện cho giáo dục TPHCM phát huy thế mạnh, đặc biệt là sự đổi mới, sáng tạo, tích cực, năng động, dám nghĩ dám làm và sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Còn tại tỉnh Lạng Sơn, theo ông Dương Xuân Huyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, tỉ lệ tốt nghiệp THPT đạt trên 98%, tỉ lệ học sinh khá giỏi được nâng lên. Năm 2023, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 39% năm 2023, nâng lên 62% đã góp phần vào thành tích chung của ngành giáo dục trên cả nước.

Vẫn còn những hạn chế

Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29, lĩnh vực GDĐT đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào quá trình phát triển đất nước nói chung, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc thể chế hóa nghị quyết còn chậm, thiếu tính đồng bộ và liên thông giữa các chính sách liên quan với các chính sách mới về GDĐT; thiếu các cơ chế, chính sách ưu tiên cho GDĐT, chưa thể hiện được quan điểm “GDĐT là quốc sách hàng đầu”; Lương của nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29…

Ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục chưa bảo đảm tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách Nhà nước theo yêu cầu của Nghị quyết 29. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục, đào tạo…

Vì vậy, Bộ GDĐT đề xuất Bộ Chính trị sớm ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nữa các quan điểm, mục tiêu đã nêu trong nghị quyết.

“Về thể chế, cần tiếp tục rà soát các văn bản, các bộ luật, xây dựng Luật Nhà giáo và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để mở đường cho xã hội hóa trong giáo dục, tự chủ trong giáo dục và mở đường cho những đổi mới khác” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo laodong.vn

Đối tác tin cậy của chúng tôi

Luôn đồng hành và hợp tác cùng chúng tôi để mang lại những sản phẩm tốt nhất.