Blog

Hành trình tiên phong chuyển đổi số

icon icon

Nghị quyết 29 tạo ra luồng sinh khí mới cho giáo dục đại học

Sáng 5/10, Đoàn công tác của Bộ GDĐT do Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc làm Trưởng đoàn đã làm việc, khảo sát kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 tại Trường Đại học Đà Lạt.

Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt Lê Minh Chiến cho biết: Trường Đại học Đà Lạt đã đạt được những kết quả quan trọng trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, nâng cao chất lượng đội ngũ, hiện đại hoá trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Nghị quyết 29 tạo ra luồng sinh khí mới cho giáo dục đại học

Nghị quyết 29 tạo ra luồng sinh khí mới cho giáo dục đại học

Trong 10 năm qua, kết quả tuyển sinh của Trường Đại học Đà Lạt, đặc biệt là tuyển sinh hệ chính quy luôn nằm trong nhóm các trường đạt tỉ lệ cao so với trung bình chung của cả nước.

Mở rộng ngành nghề, trình độ đào tạo là một trong những chiến lược quan trọng mà trường tích cực triển khai. Giai đoạn 2015-2017, trường mở thêm được 1 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 5 ngành đào tạo trình độ tién sĩ. Giai đoạn 2020-2023, trường mở thêm được 10 ngành đào tạo trình độ đại học, 2 ngành đào tạo thạc sĩ, 1 ngành đào tạo tiến sĩ. Nâng tổng quy mô ngành đào tạo lên 58, trong đó có 41 ngành đào tạo đại học, 10 ngành đào tạo thạc sĩ và 8 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.

Năm 2015, Trường Đại học Đà Lạt đã xây dựng lại toàn bộ các chương trình đào tạo trình độ đại học theo cách tiếp cận chuẩn đầu ra quốc tế CDIO. Hiện nay, trường đã được cấp chứng nhận đạt kiểm định 8 chương trình đào tạo trình độ đại học, trong đó có 5 chương trình theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GDĐT, 3 chương trình theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA.

Cụ thể hoá Nghị quyết 29, cùng với việc huy động các nguồn lực, các chương trình, dự án về đào tạo nguồn nhân lực giảng viên đại học và chính sách hỗ trợ của trường, chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữa đã có bước phát triển vượt bậc trong 10 năm qua. Hiện trường có 318 giảng viên, trong đó có 1 Giáo sư, 16 Phó giáo sư, 108 tiến sĩ. Đội ngũ giảng viên của trường chiếm tỉ lệ 39,3%, cao hơn mức trung bình chung của cả nước. So với cách đây 10 năm, giảng viên có trình độ đại học của trường tăng 178%.

Cùng với kết quả đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cũng là điểm sáng của Trường Đại học Đà Lạt trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Số lượng đề tài cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở không ngừng tăng qua từng năm. Thống kê từ năm 2013 đến nay, Trường Đại học Đà Lạt chủ trì thực hiện tổng cộng 463 đề tài và dự án khoa học công nghệ. Cán bộ, giảng viên, nhà khoa học của trường trong trường đã xuất bản gần 1700 bài báo khoa học, trong đó 25% bài báo được đăng trên các tạp chí thuộc hệ thống chỉ mục ISI/SCOPUS.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt Lê Minh Chiến cũng chia sẻ một số khó khăn. Đó là, công tác tuyển sinh ngày càng khó khăn hơn trước, đặc biệt là tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản. Trong bối cảnh cạnh tranh đại học, nhiều trường đại học xếp ở vị trí đầu cũng chỉ tuyển sinh với điểm chuẩn đầu vào ở mức bình thường, khiến cho nhà trường dù muốn nâng cao hơn nữa chất lượng tuyển sinh nhưng khó thực hiện.

Dù đã thực hiện nhiều chính sách để nâng cao chất lượng đội ngũ, nhưng trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế khiến cho việc giữ chân giảng viên gặp khó khăn. Nguồn thu của trường chủ yếu đến từ học phí còn hạn hẹp, dẫn tới hạn chế nguồn lực đầu tư phát triển.

Trường Đại học Đà Lạt kiến nghị sớm triển khai và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học trong giai đoạn mới phù hợp với quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia; kiến nghị xây dựng chiến lược phát triển các ngành khoa học cơ bản trọng điểm để có chính sách khuyến khích phù hợp; sớm ban hành chuyển cơ sở giáo dục đại học; đảm bảo tính liên thông, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật không chỉ trong nội bộ lĩnh vực giáo dục mà còn các lĩnh vực khác có liên quan.

Trao đổi tại buổi làm việc với Trường Đại học Đà Lạt, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá, qua thực tế 10 năm triển khai Nghị quyết 29 của nhà trường, có thể thấy Nghị quyết 29 đã tạo ra luồng sinh khí mới cho giáo dục đại học.

Trước khi thực hiện Nghị quyết, số lượng các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định chất lượng rất ít. Đến nay, nhiều cơ sở giáo dục đã được kiểm định trong nước và quốc tế; nhiều chương trình đào tạo đã được kiểm định và dần được chuẩn hoá theo chuẩn quốc tế.

Cùng với đó là việc phát triển đội ngũ giảng viên, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, có học hàm Phó giáo sư, Giáo dục tăng dần hằng năm. Nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế ngày càng tăng, uy tín khoa học của các cơ sở giáo dục đại học ngày càng được khẳng định.  

Việc triển khai tự chủ đại học, đổi mới quản trị nhà trường… đã tạo ra hành lang pháp lý để tạo động lực và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên. “Với quyết tâm đổi mới, 10 năm qua Trường Đại học Đà Lạt đã đầu tư rất nhanh, đầu tư có trọng điểm và đã tạo ra những kết quả tích cực”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ghi nhận các kiến nghị của Trường Đại học Đà Lạt, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đồng thời đề nghị nhà trường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ GDĐT xây dựng đề án phát triển, để Trường Đại học Đà Lạt có thể phát triển mạnh mẽ hơn, năng động hơn trong giai đoạn tới.

Theo Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

Đối tác tin cậy của chúng tôi

Luôn đồng hành và hợp tác cùng chúng tôi để mang lại những sản phẩm tốt nhất.