Phân viện Puskin tổ chức Hội thảo khoa học – thực hành quốc tế “Chiến lược nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ trong không gian khoa học và giáo dục hiện đại”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Phân viện Puskin.
Dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga Mogilevsky Konstantin Ilyich; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko; đại diện một số bộ, ban, ngành, tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước cùng các chuyên gia, các nhà Nga ngữ học của Việt Nam, Nga và các nước Đông Nam Á, giáo viên, học sinh thuộc Phân viện Puskin.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho hay: 40 năm qua Phân viện Puskin với vai trò phát triển, tuyên truyền, quảng bá tiếng Nga và văn hóa Nga ở Việt Nam, góp phần vào việc hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia và công tác ngoại giao nhân dân, đã luôn tích cực phối hợp với các đơn vị của Nga và Việt Nam, tổ chức các hoạt động như các festival văn hóa Việt – Nga cho học sinh, sinh viên; các kỳ thi Olympic Tiếng Nga, các khóa học tiếng Nga – trại hè quốc tế cho học sinh các trường phổ thông; bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên tiếng Nga của Việt Nam…
Sau 30 năm vắng bóng chuyên gia Nga ở các trường học của Việt Nam, từ năm 2020 đến nay, Bộ Giáo dục Liên bang Nga và Bộ GDĐT Việt Nam, mà đơn vị thực hiện là Phân viện Puskin, cùng triển khai dự án nhân văn “Giáo viên Nga ở nước ngoài”. Theo đó, chuyên gia Nga được cử đến các cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam để trực tiếp giảng dạy.
Từ năm học 2023-2024, Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga cử chuyên gia Nga sang Phân viện Puskin trực tiếp làm việc và giảng dạy, hỗ trợ tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh, sinh viên như chương trình tình nguyện “Đại sứ tiếng Nga trên thế giới”, Olympic tiếng Nga quốc tế dành riêng cho học sinh Việt Nam… Thứ trưởng Bộ GDĐT nhận định: Đó là những tín hiệu tốt trong việc phát triển dạy và học tiếng Nga ở Việt Nam và đã nhận được phản hồi rất tích cực từ phía phụ huynh, học sinh, sinh viên và giáo viên.
Với mong muốn hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước tiếp tục được mở rộng, đi vào chiều sâu, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, hội thảo là hoạt động rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu và phát triển giảng dạy tiếng Nga ở Việt Nam. Đây là hoạt động tiếp nối các hội thảo khoa học quốc tế về tiếng Nga mà Phân viện Puskin đã tổ chức hoặc phối hợp tổ chức trong nhiều năm qua, cũng là hoạt động thiết thực để chào mừng sự kiện lớn của quan hệ hợp tác giữa hai nước – 45 năm quan hệ giáo dục Việt – Nga.
Trao đổi tại hội thảo, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko đánh giá: Nhờ sự nhiệt huyết và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ tại Phân viện Puskin, tiếng Nga đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều thế hệ người Việt Nam, đem lại cho họ cơ hội tiếp thu những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho sự thăng tiến nghề nghiệp và phát triển bản thân.
Hiện nay, Phân viện Puskin đang tích cực tiếp cận thế hệ trẻ của Việt Nam, vun đắp trong họ tình yêu với tiếng Nga và văn hóa Nga. Tại Phân viện Puskin, các em học sinh và sinh viên được chuẩn bị kiến thức để du hoc tại các trường đại học của Nga và tất cả những người có nhu cầu đều có thể nâng cao kiến thức, kỹ năng tiếng Nga của mình.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc đã trao Bằng khen, Thư cảm ơn cho Phân viện Puskin và trao giải cho các học sinh đoạt giải Olympic tiếng Nga quốc tế.
Được biết, kể từ tháng 9 năm nay, Phân viện Puskin và Viện tiếng Nga quốc gia mang tên A.X. Pushkin cùng phối hợp triển khai một loạt dự án chung hướng tới Lễ kỷ niệm 40 năm Phân viện như các giảng viên của Viện tiếng Nga quốc gia mang tên A.X. Pushkin được cử sang Phân viện Puskin để dạy tiếng Nga cho học sinh, sinh viên Việt Nam; triển khai Chương trình tình nguyện quốc tế “Đại sứ tiếng Nga trên thế giới” tại Việt Nam; tổ chức Cuộc thi Olympic tiếng Nga quốc tế dành cho học sinh Việt Nam; phát hành số đặc biệt của tạp chí khoa học quốc tế “Tiếng Nga ở nước ngoài” …