Ngày 20/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo khảo sát xây dựng tài liệu tập huấn quy chế trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) và tài liệu nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên quản lý và tổ chức các hoạt động của trường PTDTNT tại tỉnh Lạng Sơn.
Dự hội thảo có đại diện Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GDĐT); đại diện các phòng thuộc Sở GDĐT tỉnh Lạng Sơn; các chuyên gia đến từ các đơn vị liên quan cùng đại diện cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường PTDTBT, PTDTNT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Thông tin tại hội thảo, Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn cho hay: Những năm gần đây, nhà trường ngày càng mở rộng quy mô, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Năm học 2022-2023, trường có 600 học sinh, cơ cấu 20 lớp học. Hầu hết các em đến từ vùng sâu, vùng xa, gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Sán chỉ, Mường, Dao… trong đó dân tộc Tày, Nùng chiếm 88,9%, thuộc các huyện tại tỉnh Lạng Sơn. Do vậy, ngoài việc đảm bảo chất lượng giáo dục thì việc phối hợp quản lý giữa nhà trường với gia đình còn gặp nhiều khó khăn, mang tính đặc thù cao, có sự giao thoa bản sắc văn hóa, truyền thống của nhiều dân tộc.
Nhà trường luôn chú trọng, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, thực hiện tuyên truyền, phát thanh bằng tiếng dân tộc; tổ chức cuộc thi, trò chơi lồng ghép việc tìm hiểu truyền thống, tục lệ của đồng bào dân tộc để các em nhận thức được tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn văn hóa dân tộc, hình thành lòng tự hào về truyền thống văn hóa, xác định được vai trò tiếp nối và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Theo ông Nông Văn Nam, Phòng GDĐT huyện Bình Gia: Năm học 2023-2024, Trường PTDTNT THCS&THPT huyện Bình Gia có tổng số 384 học sinh. Đây là trường chuyên biệt và được hưởng các chế độ chính sách của nhà nước ăn ở tại trường theo Thông tư 109, do đó, luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, thường xuyên của Sở GDĐT, chính quyền địa phương. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, tiếp cận nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường.
Nêu một số băn khoăn về mô hình hoạt động của trường PTDTBT, PTDTNT, ông Nông Văn Nam cho hay, những chính sách, quy chế mới được ban hành, trong thời gian chưa lâu vì vậy, việc phân cấp, tổ chức theo quy định chưa thật sự sâu sát, hoàn thiện. Bên cạnh đó, do ghép nhiều cấp học, số lượng học sinh học tập, ăn, ở, sinh hoạt tại các nhà trường ngày càng lớn nên đòi hỏi về cơ sở vật chất tại các nhà trường cũng cần được tạo điều kiện nhiều hơn.
Hiệu trưởng Trường PTDTBT tiểu học Bắc La, huyện Văn Lãng Chu Tố Uyên chia sẻ tại hội thảo: Mặc dù giáo dục vùng khó, miền núi nhận được nhiều sự quan tâm của các ban, ngành từ trung ương đến địa phương, tuy nhiên, phải nhận định rằng, đời sống, điều kiện học tập của học sinh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập.
Cô Chu Tố Uyên nêu: Đặc thù vị trí của các trường tại miền núi là ở cách xa nhà học sinh, điều kiện di chuyển hết sức khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như sạt lở, qua đèo, qua suối, đường đi nhiều dốc cao. Tuy nhiên, nếu quy định khoảng cách tới trường được ấn định số kilomet thì sẽ có nhiều học sinh thiệt thòi. Do đó, nhiều giáo viên mong muốn có những quy định chi tiết, cụ thể, bám sát thực tế hơn để học sinh thụ hưởng được nhiều chính sách, được tạo điều kiện học tập, tới trường tốt hơn.
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tại các nhà trường, phòng GDĐT nêu đề xuất, kiến nghị liên quan đến chính sách giáo dục miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; cơ sở vật chất; chính sách, chuyên môn đội ngũ nhà giáo; tuyển sinh các cấp đầu năm học; đời sống sinh hoạt của học sinh, giáo viên tại nhà trường; xác nhận hồ sơ cư trú của học sinh…
Trao đổi và tiếp thu các ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục Dân tộc nhận định: Việc trao đổi trực tiếp, tiếp thu ý kiến của các phòng chuyên môn, đơn vị liên quan, đặc biệt là các cán bộ quản lý cùng giáo viên cốt cán tại các nhà trường là việc làm cần thiết và quan trọng. Các ý kiến càng sâu sát với thực tế, nêu được những vấn đề bất cập, khó khăn trong quá trình triển khai trong việc xây dựng quy chế, nâng cao năng lực đội ngũ và tổ chức hoạt động tại các nhà trường thì càng giúp cho Ban soạn thảo xây dựng các tài liệu, chính sách phù hợp với thực tiễn, mang lại nhiều kết quả.