3.200 giáo viên cùng các chuyên gia quốc tế thảo luận về kỹ năng kể chuyện trong bài giảng, giá trị bền vững của giáo dục… tại sự kiện VUS TESOL 2023.
23 diễn giả khách mời có mặt tại hội nghị đều là những chuyên gia giáo dục đến từ các các tổ chức giáo dục, nhà xuất bản hàng đầu thế giới, đối tác quốc tế của Anh văn Hội Việt Mỹ – VUS như National Geographic Learning, Nhà xuất bản Đại học Oxford, Macmillan Education, Nhà xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge, NEAS (Hệ thống kiểm định giáo dục Anh ngữ quốc gia Australia)…
Các chuyên gia quốc tế và giáo viên đã cùng bàn về chủ đề “Celebrating Diverse Perspectives in ELT: Thúc đẩy góc nhìn đa chiều trong giảng dạy tiếng Anh”. Theo đó, Hội nghị bồi dưỡng năng lực nghiệp vụ giáo viên tiếng Anh (VUS TESOL 2023) có 20 phiên thảo luận với góc nhìn đa chiều về “tính đa dạng” (Diversity) và “sự dung hợp” (Inclusion) trong giáo dục.
Ban tổ chức đặt mục tiêu khơi mở những ý tưởng đột phá cho tương lai của giảng dạy tiếng Anh nói riêng và ngành giáo dục nói chung tại Việt Nam và trên thế giới.
Trong các phiên thảo luận của hội nghị, nhà thám hiểm Lillygol Sedaghat đến từ National Geographic, đại diện cho nhà xuất bản National Geographic Learning chia sẻ đề tài “Storytelling For Change” (Nghệ thuật kể chuyện để thay đổi thế giới). Bà đã dẫn dắt người nghe đi qua các câu chuyện ý nghĩa bản thân từng có ở châu Á, đặc biệt là Đài Loan và Singapore – hai điểm đến đóng vai trò quan trọng trong hành trình khám phá thế giới thiên nhiên, bảo vệ môi trường của bà trong những năm vừa qua.
Bà cho biết, câu chuyện và cách kể chuyện sẽ dẫn dắt con người tới những sắc thái ý nghĩa khác nhau của việc sống, định hình mỗi cá nhân là ai và cách phản ứng với thế giới. Qua đó, con người có thể mang tính đa dạng và sự dung hợp vào lớp học cũng như môi trường làm việc.
“Câu chuyện thể hiện giá trị của mỗi người và trở nên giá trị hơn nếu chúng ta chia sẻ với học sinh, sinh viên và đồng nghiệp của mình”, Lillygol Sedaghat nói thêm.
Ông Allen Davenport – chuyên gia đến từ Nhà xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge cũng chia sẻ về “Giá trị thực tiễn bền vững của giáo dục: Các hoạt động trên lớp học kiến tạo một tương lai tốt hơn”.
Theo ông, duy trì sự bền vững là điều quan trọng trong các bài giảng, khóa học… và hệ thống cốt lõi. Các nhà giáo dục cần tận dụng mọi cơ hội để giúp cho giảng dạy tiến bộ, hoàn thiện hơn. “Không chỉ dạy tiếng Anh, những gì chúng ta đang làm hiện tại còn góp phần xây dựng nền tảng cho một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn”, ông nói với các giáo viên dạy tiếng Anh tại Việt Nam.
Ngoài ra, hội nghị có nhiều bài tham luận khác về cách hòa nhập, tôn trọng sự khác biệt trong một lớp học tiếng Anh… của hàng loạt diễn giả từ Nhà xuất bản Đại học Oxford, NEAS, Macmillan Education, VUS…
Đại diện Anh Văn hội Việt Mỹ (VUS) cho biết, thông qua việc tổ chức hội nghị này, đơn vị muốn khẳng định vị thế và uy tín trong lĩnh vực đào tạo Anh ngữ. VUS đã phối hợp với các đối tác uy tín thế giới trong ngành giáo dục để cập nhật xu hướng mới, từ đó, nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ giáo viên VUS nói riêng và Việt Nam nói chung.
“Điều này cũng tác động đến việc thụ hưởng giáo dục của học sinh, giúp khơi mở tương lai cho các em. VUS TESOL là dự án CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) mang giá trị bền vững, được thực hiện trong 18 năm với tầm nhìn: đóng góp một phần nỗ lực để Việt Nam trở thành một quốc gia song ngữ”, vị đại diện giới thiệu.
Theo đó, đơn vị lựa chọn yếu tố “sự đa dạng” cho chủ đề hội nghị năm này nhằm truyền cảm hứng về sự tôn trọng sự khác biệt, hướng tới giúp học sinh có trải nghiệm học tập phong phú, tăng động lực, tính chủ động, sáng tạo trong quá trình học tiếng Anh và văn hóa, cuộc sống. Điều này đòi hỏi phương pháp giảng dạy cũng phải đa dạng để kết nối học sinh với nội dung, nâng cao môi trường giảng dạy chuyên nghiệp.
Trong khi đó, “dung hợp” là sự hòa lẫn vào nhau để hợp thành một thể thống nhất, các quản điểm khác biệt nhưng không đối lập. Yếu tố này là rất quan trọng trong thời đại hiện nay bởi mỗi người đều đề cao phát triển cá tính và tiềm năng của bản thân. Lúc này, nhiệm vụ của giáo viên là tạo ra một môi trường dung hòa và thống nhất để mỗi cá nhân đều được thấu hiểu, công bằng và đồng đều.
Tại sự kiện, bà Trần Thị Kim Thanh – Phó trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết, hội nghị thể hiện định hướng rõ rệt của VUS với vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào công cuộc giáo dục của thành phố, cung cấp cho giáo viên phương pháp giảng dạy mới, tổ chức sự kiện tập huấn với đề tài hợp xu hướng.
“Tôi tin chủ đề trong VUS TESOL hàng năm sẽ giúp nâng cao môi trường giảng dạy Anh ngữ”, bà nói thêm.
Theo VNexpress