Blog

Hành trình tiên phong chuyển đổi số

icon icon

Hội thảo Khoa học Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên

Ngày 10/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo Khoa học tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ; đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ GDĐT; các chuyên gia đến từ các đơn vị, tổ chức có liên quan cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ phụ trách chuyên môn của các Sở GDĐT.

Trình bày dự thảo báo cáo tóm tắt kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết: Nghị quyết 29 đặt ra 2 mục tiêu tổng quát, 3 mục tiêu cụ thể và 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đã đạt được những thành tựu đáng kể, các mục tiêu hầu hết đã đạt được. Hệ thống các cơ sở giáo dục phổ thông đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập ngày càng cao của người dân, công tác phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tiếp tục được quan tâm nhằm củng cố, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục và từng bước đạt chuẩn mức độ cao hơn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế cần được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, trung thực để rút ra bài học kinh nghiệm tiếp tục triển khai trong bối cảnh và giai đoạn tiếp theo.

Báo cáo tại Hội thảo về tình hình phát triển đội ngũ giáo viên, Cục trưởng Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức cho hay: Nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thời gian qua, Chính phủ, Bộ GDĐT đã ban hành triển khai thực hiện các đề án đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ; ban hành quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; ban hành các quy định, chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên, nhân viên ngành giáo dục;  đào tạo nâng trình độ chuẩn cho giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Hiện nay, trên toàn quốc có 135 cơ sở có đào tạo giáo viên. Các cơ sở giáo dục đã quan tâm đổi mới phương pháp dạy và học, nghiên cứu khoa học giáo dục, coi trọng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút học sinh giỏi vào học sư phạm.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên, Bộ GDĐT đã ban hành các quyết định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; xác định chỉ tiêu đào tạo giáo viên theo nhu cầu đào tạo của các địa phương và năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo…

Sau 10 năm thực hiện Nghi quyết 29 về giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, ngành giáo dục cũng đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng, tăng tỉ lệ phòng học kiên cố, phòng học bộ môn, thư viện, công trình vệ sinh, nước sạch… tại các cơ sở giáo dục. Phòng thí nghiệm, thực hành được trang bị thiết bị cơ bản đảm bảo được việc tổ chức, thực hiện việc dạy, học theo chương trình mới.

Tuy nhiên, trong thực tế, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục về đội ngũ, cơ sở vật chất, các chính sách, quy định hiện nay còn thiếu tính đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, chậm trễ so với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tại hội thảo, đại diện các bộ, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, góp ý, nêu ý kiến, đề xuất liên quan đến các nội dung trong dự thảo báo cáo như tổ chức thi tốt nghiệp THPT; đào tạo và tuyển dụng giáo viên; triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; cơ sở vật chất; tài chính, nguồn lực xã hội; chế độ, chính sách nhà giáo; phương pháp kiểm tra, đánh giá; chính sách học phí; xã hội hóa…

Đánh giá cao sự chuẩn bị của các đơn vị chuyên môn với nội dung báo cáo tại hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý: Đây là vấn đề lớn, khó, phức tạp vì vậy báo cáo cần sự chỉn chu, đầy đủ, sâu sát và kỹ lưỡng ở tất cả các nội dung.

Qua ý kiến phát biểu của các chuyên gia, Thứ trưởng nhận định, đây là các đánh giá hết sức thẳng thắn, sâu sắc, nhấn mạnh, đề cập đến các vấn đề cụ thể từ thể chế chính sách, chiến lược đến các hoạt động, tổ chức, thực hiện. Thứ trưởng cho biết, các đơn vị chuyên môn sẽ tiếp thu tối đa tất các ý kiến, góp ý trực tiếp cũng như thông qua phiếu lấy ý kiến, để chọn lọc, đưa vào và hoàn thiện báo cáo một cách toàn diện, đầy đủ.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Chúng ta nhận thức được giáo dục đào tạo là phát triển con người và là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển đất nước, bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế về việc cụ thể hóa các chính sách, nội dung và tổ chức thực hiện. Do vậy, báo cáo không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà cần rút kinh nghiệm, đề xuất giải pháp cụ thể, rõ ràng để định hướng được những việc cần thực hiện sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW – đó là nỗ lực cũng là trách nhiệm của ngành giáo dục.

Theo Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

Đối tác tin cậy của chúng tôi

Luôn đồng hành và hợp tác cùng chúng tôi để mang lại những sản phẩm tốt nhất.