Ngày 14/9, tại tỉnh Tuyên Quang, Bộ GDĐT tổ chức Hội thảo khảo sát xây dựng tài liệu tập huấn quy chế trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) và tài liệu nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên quản lý và tổ chức các hoạt động của trường PTDTNT.
Tham dự hội thảo có đại diện Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GDĐT); đại diện các phòng thuộc Sở GDĐT tỉnh Tuyên Quang; các chuyên gia đến từ các đơn vị liên quan cùng đại diện cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường PTDTBT, PTDTNT trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục Dân tộc thông tin: Ngoài việc tiến hành việc khảo sát để xây dựng tài liệu tập huấn quy chế trường PTDTBT, PTDTNT hiện nay, Bộ GDĐT cũng đang triển khai xây dựng tài liệu liên quan đến một số nội dung giáo dục đặc thù của trường PTDTNT. Nội dung này nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia và tài liệu này sẽ được sử dụng, cấp phát đến các trường PTDTNT toàn quốc để làm tư liệu, tài liệu tập huấn đội ngũ cốt cán và đại trà tại các địa phương.
Do đó, việc trao đổi trực tiếp, tiếp thu ý kiến của các phòng chuyên môn, đơn vị liên quan, đặc biệt là các cán bộ quản lý cùng giáo viên cốt cán tại các nhà trường là điều cần thiết. Các ý kiến càng sâu sát với thực tế, nêu được những vấn đề bất cập, khó khăn trong quá trình triển khai trong việc xây dựng quy chế, nâng cao năng lực đội ngũ và tổ chức hoạt động tại các nhà trường thì càng giúp cho Ban soạn thảo xây dựng các tài liệu, chính sách phù hợp với thực tiễn, mang lại nhiều kết quả.
Chia sẻ tại hội thảo, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THPT tỉnh Tuyên Quang Hà Thị Hải Yến cho hay: Có tổng số học sinh khá đông với 16 lớp học, 545 học sinh của 17 dân tộc nên nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ban, ngành và sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh học tập tại trường. Đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng và tinh thần trách nhiệm cao với sự phát triển chung của ngành giáo dục.
Tuy nhiên, từ góc độ khó khăn cô Hà Thị Hải Yến cho hay: Chất lượng đầu vào còn thấp, một số dân tộc rất ít người đặc điểm tâm lý, tính cách khác nhau nên nhà trường còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý nội trú, giáo dục kỹ năng sống, nâng cao chất lượng dạy và học. Bên cạnh đó, số lượng cán bộ giáo viên đủ theo định mức nhưng trong thực tế không đủ để dạy 2 buổi/ngày. Hầu hết công tác kiêm nhiệm quản lý học sinh đều do giáo viên làm, vì vậy một giáo viên quá nhiều việc, quỹ thời gian hạn hẹp không đủ để tập trung vào công tác chuyên môn.
Kinh phí học bổng của học sinh còn ít so với nhu cầu nuôi dạy các em nên nhà trường còn khó khăn trong sử dụng kinh phí. Cơ sở vật chất nhà trường xuống cấp, ảnh hưởng đến điều kiện ăn, ở, sinh hoạt của các học sinh.
Ông Chẩu Văn Giai, Phó Trưởng phòng GDĐT Huyện Lâm Bình chia sẻ: Mặc dù đã được quan tâm nhất định nhưng chế độ chính sách hỗ trợ cơ bản chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của học sinh tại các trường PTDTBT, PTDTN. Giáo dục vùng núi hiện nay khó khăn về tuyển dụng giáo viên. Tuy nhiên, ngoài yêu cầu về đảm bảo về số lượng tổ chuyên môn thì hầu hết các trường PTDTBT, PTDTNT đang gặp bất cập trong việc phân công, thành lập tổ quản lý học sinh bán trú. Để đủ được số lượng giáo viên ở hai tổ mà không có sự kiêm nhiệm là rất khó thực hiện.
Thầy Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nội trú huyện Na Hang nêu những khó khăn trong tuyển sinh như tuyển sinh đầu cấp, tuyển thẳng, sĩ số học sinh tối đa, bình quân/lớp… Những quy định về tuyển sinh hiện nay còn chồng chéo, chưa rõ ràng trong các văn bản. Do đó, thầy Hoàng Anh Tuấn mong muốn nếu có những sửa đổi, bổ sung, xây dựng tài liệu thì Ban soạn thảo lưu ý đến những vấn đề này.
Tại Hội thảo, Vụ Giáo dục Dân tộc cũng lấy ý kiến khảo sát về việc xây dựng tài liệu truyền thông, tuyên truyền về các tấm gương học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số có tinh thần vươn lên học tập để thoát nghèo.