Blog

Hành trình tiên phong chuyển đổi số

icon icon

Hội thảo công bố kết quả thử nghiệm một số nội dung mới Chương trình giáo dục mầm non

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo Công bố kết quả thử nghiệm một số nội dung mới Chương trình giáo dục mầm non. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự có lãnh đạo Vụ Giáo dục Mầm non, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, một số đơn vị thuộc Bộ GDĐT; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các tổ chức liên quan; đại diện các Sở GDĐT, các trường mầm non thử nghiệm chương trình tại các địa phương cùng hơn 200 đại biểu tham gia tại các điểm cầu trực tuyến.

Hội thảo công bố kết quả thử nghiệm một số nội dung mới Chương trình giáo dục mầm non

Hội thảo công bố kết quả thử nghiệm một số nội dung mới Chương trình giáo dục mầm non

Để đánh giá mức độ phù hợp sau khi xây dựng được khung chương trình, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã triển khai thử nghiệm một số nội dung mới của Chương trình Giáo dục Mầm non tại 6 tỉnh, thành phố, đại diện các vùng kinh tế – xã hội của Việt Nam bao gồm: Thái Nguyên, Ninh Bình, Nghệ An, Kon Tum, TP Hồ Chí Minh và Đồng Tháp. Hội thảo được tổ chức nhằm công bố kết quả sau quá trình thực hiện thử nghiệm chương trình tại các địa phương cùng với đó là đánh giá, góp ý, thảo luận nhằm đánh giá, hoàn thiện nội dung chương trình trước khi ban.

Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh cho hay: Sau quá trình xây dựng dự thảo, ban soạn thảo đã tiến hành thử nghiệm Chương trình giáo dục mầm non mới tại một số địa phương và hội thảo hôm nay là dịp để tổng kết những công việc đã được triển khai trong thời gian qua. Những bài học kinh nghiệm, thuận lợi, khó khăn trong quá trình thử nghiệm là rất quan trọng để giúp ban soạn thảo tiếp tục điều chỉnh dự thảo chương trình, kế hoạch chương trình phù hợp, đặc biệt là trong những bước tiếp theo sau thời gian thử nghiệm hoàn thành.

Theo PGS.TS Lê Anh Vinh, điểm mới của Chương trình giáo dục mầm non đang được thử nghiệm là hướng tiếp cận “Kết quả mong đợi của Chương trình giáo dục mầm non thể hiện các phẩm chất và năng lực chung mang tính cốt lõi, nền tảng, cần thiết, phù hợp với lứa tuổi” và đây là quan điểm xuyên suốt khi xây dựng toàn bộ chương trình. Do đó, việc triển khai thí điểm chương trình cũng bám sát quan điểm này để mang lại kết quả thiết thực nhất.

Nhấn mạnh việc xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới có tính phù hợp cao, khoa học và được triển khai vào thực tiễn hiệu quả, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh cho biết: Để có những đánh giá thực tiễn tốt nhất, tránh những sai sót không đáng có trong quá trình ban hành triển khai đại trà, thay vì như trước đây, việc thí điểm chỉ được triển khai trong thời gian 1 năm học, thì dự kiến thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới sẽ được triển khai trong 3 năm học. Việc thực hiện thí điểm với thời gian dài hơn nhằm mục đích có cái nhìn toàn diện, đánh giá thực chất về những điểm làm được, chưa làm được của chương trình, ở các lứa tuổi của trẻ mầm non trước khi ban hành.

Là một trong 6 địa phương thực hiện thí điểm Chương trình Giáo dục Mầm non mới, đại diện Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình đánh giá các nội dung thử nghiệm chương trình mang lại nhiều hiệu quả đến giáo viên và quá trình phát triển toàn diện của trẻ. Từ kế hoạch giáo dục, giáo viên có thể nhận thấy những mục tiêu nào mà trẻ đã thực hiện tốt và những mục tiêu nào khó cần có sự điều chỉnh trong họat động giáo dục nhằm giúp trẻ đạt được kết quả mong đợi. Bên cạnh đó, giáo viên cũng dễ dàng định hướng được nội dung giáo dục.  

Sau quá trình thử nghiệm, tại tỉnh Kon Tum, 100% giáo viên các nhóm, lớp thử nghiệm ở 3 trường tổ chức hoạt động giáo dục thường xuyên được đồng nghiệp, cán bộ quản lý, giảng viên, chuyên gia tư vấn, hỗ trợ về chuyên môn. Giáo viên các nhóm, lớp tham gia thử nghiệm biết vận dụng phương pháp chăm sóc, giáo dục đáp ứng phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm; biết khai thác vốn kinh nghiệm của trẻ, biết tạo nhiều cơ hội học cho trẻ bằng nhiều hình thức khác nhau.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã góp ý, trao đổi, nêu ý kiến, đề xuất các vấn đề thuận lợi cũng như khó khăn trong quá trình triển khai thử nghiệm với mục tiêu hoàn thiện thực chất Chương trình giáo dục mầm non mới như: thời gian tổ chức thí điểm; huy động nguồn lực, kinh phí, hỗ trợ thí điểm; đội ngũ giáo viên; nội dung chương trình; chuyên môn…

Từ thực tế triển khai thí điểm ở 6 địa phương, các đại biểu ý kiến về hoạt động tổ chức thực hành đánh giá sự phát triển của trẻ em hàng ngày và theo quá trình để hỗ trợ trẻ em phát triển liên tục trong các nhóm, lớp thử nghiệm. Đồng thời thảo luận nhóm, tập trung vào các nội dung: Tiếp tục điều chỉnh Dự thảo 1.2 của Chương trình giáo dục mầm non mới, Tổ chức thí điểm Chương trình, và Chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Chương trình.

Theo Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

Đối tác tin cậy của chúng tôi

Luôn đồng hành và hợp tác cùng chúng tôi để mang lại những sản phẩm tốt nhất.