Blog

Hành trình tiên phong chuyển đổi số

icon icon

Giáo dục Cao Bằng cần lấy nâng cao dân trí là mục tiêu cao nhất

Ngày 15/8, tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng Trần Hồng Minh, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh, Phòng GDĐT các huyện, thành phố và đại diện giáo viên, cán bộ quản lý các trường học trên địa bàn tỉnh.

Nhiều kết quả tích cực so với năm học trước

Năm học 2023-2024, tỉnh Cao Bằng có 519 cơ sở giáo dục với tổng số lớp học là 5.794 lớp và 135.941 trẻ em, học sinh các cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành là 10.964 người.

Xem thêm: Hơn 733.000 thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống của Bộ GDĐT

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục tỉnh Cao Bằng đã tham mưu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu năm 2024 của UBND tỉnh về thực hiện công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và phổ cập giáo dục, xoá mùa chữ; đồng thời chủ động tham mưu, giải quyết hiệu quả, cơ bản tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh, Tin học.

Trong năm học, ngành Giáo dục đã triển khai xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2024-2030”. Thực hiện hiệu quả công tác lựa chọn sách giáo khoa và biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Tổ chức Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông  năm học 2024-2025, Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024 tỉnh Cao Bằng an toàn, đúng quy chế.

Cùng với đó là đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thanh kiểm tra, giải quyết đơn thư kịp thời, hiệu quả. Công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, đột phá, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả công vụ của công sở và trường học.

Xem thêm: Tăng cường sự đồng hành của Tổ chức Đại học Pháp ngữ với giáo dục Việt Nam

Năm học 2023-2024, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp của tỉnh Cao Bằng tăng so với năm trước. Cụ thể nhà trẻ đạt 27,65%, tăng 1,05%; mẫu giáo đạt 99,66%, tăng 0,06%; mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,59%.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT tỉnh Cao Bằng năm học 2023-2024 đạt 97,92%, tăng 1,9%; điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT là 6,03 điểm, tăng 0,27 điểm. Năm học 2023-2024, học sinh của tỉnh Cao Bằng đạt 33 giải trong kỳ thi quốc gia, tăng 19 giải so với năm trước đó.

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn về kinh tế – xã hội, giáo dục tỉnh Cao Bằng dù đã có nhiều nỗ lực, nhận được sự quan tâm nhưng cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đội ngũ giáo viên của tỉnh còn thiếu so với định mức và biên chế, đặc biệt là giáo viên các môn học theo chương trình phổ thông 2018. Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy học vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng, chưa đạt yêu cầu chuẩn hóa, hầu hết vẫn còn thiếu các phòng học bộ môn, phòng thư viện, phòng thiết bị…; hiện toàn tỉnh còn 819 điểm trường lẻ.

Với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, năm học 2024-2025 ngành Giáo dục tỉnh Cao Bằng sẽ tập trung thực hiện 11 nhiệm vụ và giải pháp.

Trong đó, tiếp tục tham mưu xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giáo dục; đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng; sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học; đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tăng cường công tác truyền thông giáo dục; thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành.

Xác định mục tiêu giáo dục thực chất; lấy nâng cao dân trí là mục tiêu cao nhất

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ sự quan tâm với giáo dục các địa phương còn nhiều khó khăn, trong đó có Cao Bằng. Bộ trưởng đồng thời ghi nhận về những điều “đáng mừng” của giáo dục Cao Bằng.

Đó là, dù điều kiện kinh tế – xã hội, địa lý nhiều khó khăn song giáo dục Cao Bằng đã nỗ lực vượt bậc, đạt được nhiều kết quả. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường, tỷ lệ phổ cập các cấp học… đạt cao và tăng qua từng năm. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn lớn hơn so với mức trung bình của khu vực miền núi phía Bắc. Giáo dục mũi nhọn thể hiện nỗ lực vượt bậc…

“Trong khó khăn, giáo dục Cao Bằng đã nỗ lực vươn lên đạt được kết quả như vậy là rất đáng mừng”, Bộ trưởng nói.

Trao đổi về những việc cần chuẩn bị cho thời gian tới, Bộ trưởng nêu đầu tiên là việc cần chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Cao Bằng cho giai đoạn tới phù hợp với đặc điểm, tình hình, mục tiêu, quyết tâm của địa phương.

“Trong định hướng sắp tới, cần xác định mục tiêu giáo dục tỉnh nhà phù hợp nhất, mang tính thực tế nhất. Mỗi tỉnh có bối cảnh khác nhau, cần đặt mục tiêu giáo dục khác nhau, không phải tỉnh khác làm thế nào mình cũng làm như vậy”, nhấn mạnh nội dung này, Bộ trưởng đồng thời gợi mở “với Cao Bằng, lấy mục tiêu nâng cao dân trí là mục tiêu thực tế nhất, thực chất nhất và phải tự hào về thành tích đó”.

Chia sẻ quan điểm, “đối với các tỉnh càng nghèo càng cần đầu tư đặc biệt cho giáo dục, càng phải lấy điều kiện giáo dục, nhân lực để thoát ra khỏi khó khăn”, Bộ trưởng cũng nhắc tới những “thuận lợi” của giáo dục Cao Bằng mà không phải địa phương nào dù điều kiện kinh tế – xã hội tốt hơn cũng có được; đó là môi trường thuận lợi cho giáo dục nhân cách cho học sinh, là đội ngũ giáo viên có tỷ lệ đạt chuẩn cao, số lượng giáo viên là người dân tộc thiểu số lớn…  

Với một địa bàn rộng lớn và địa hình chia cắt như Cao Bằng, bên cạnh đề nghị tỉnh quan tâm huy động các nguồn đầu tư để thực hiện kiên cố hoá trường lớp, xoá điểm trường lẻ phù hợp, Bộ trưởng cũng lưu ý với Cao Bằng về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục; lấy dạy học trực tuyến làm lời giải cho bài toán thiếu giáo viên và đảm bảo học sinh được học với chất lượng giảng dạy tốt từ những giáo viên có chuyên môn.

Về một số việc cụ thể trong năm học mới, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Cao Bằng tiếp tục rà soát mạng lưới, phân bổ hệ thống các cơ sở giáo dục để có giải pháp với hơn 800 điểm trưởng lẻ, trên tinh thần không dồn ghép cơ học nhưng những chỗ nào thực hiện dồn dịch mà tốt hơn cho thầy và trò thì nên làm.

Tỉnh Cao Bằng cũng nên có kế hoạch củng cố, phát triển hệ thống trường nội trú, bán trú. Bởi đây chính là giải pháp cho các địa phương có địa bàn rộng, phân tán, tỷ lệ đồng bào dân tộc nhiều như Cao Bằng.

Hỗ trợ tối đa để giáo viên vượt qua được giới hạn, không để giáo viên đơn độc trong hành trình đổi mới… được Bộ trưởng nhấn mạnh là giải pháp quan trọng nhất để đổi mới giáo dục phổ thông thành công; đồng thời cũng là yêu cầu được Bộ trưởng đặt ra với giáo dục Cao Bằng.

“Cao Bằng nên rà soát và hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn thường xuyên, đặt mục tiêu hỗ trợ tối đa cho giáo viên để bắt nhịp đổi mới, ai cũng được hỗ trợ, hỗ trợ thường xuyên”, Bộ trưởng lưu ý.

Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng chúc giáo dục Cao Bằng tiếp tục nỗ lực hơn nữa, đạt được kết quả tốt hơn. Về phía Bộ GDĐT, Bộ trưởng khẳng định, chắc chắn sẽ có sự quan tâm trong chính sách, trong các ưu tiên cho các địa phương khó khăn như Cao Bằng.

Nhân dịp này, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trao danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” cho 5 nhà giáo tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng.

Theo Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

 

 

Đối tác tin cậy của chúng tôi

Luôn đồng hành và hợp tác cùng chúng tôi để mang lại những sản phẩm tốt nhất.