Nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024), chiều 20/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc gặp.
Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, các Phó Chủ tịch Quốc hội và hơn 100 đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Thành quả của giáo dục từ sự nỗ lực lớn của đội ngũ nhà giáo
Thay mặt toàn ngành Giáo dục, các nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn trân trọng gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi gặp mặt thân tình, ấm áp.
Bộ trưởng bày tỏ, đây là sự kiện có ý nghĩa khích lệ, động viên lớn đối các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đại diện cho khoảng 1,6 triệu nhà giáo; đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội đối với đội ngũ nhà giáo và ngành Giáo dục nói chung.
Bộ trưởng cho biết, những năm qua, ngành Giáo dục không ngừng nỗ lực, vượt qua các khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và bảo vệ đất nước.
Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đánh giá giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phổ cập giáo dục được duy trì và ngày càng tăng cường. Chất lượng giáo dục ở các cấp học được quan tâm và từng bước được nâng cao. Hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục diễn ra sâu rộng trên cả nước.
“Tinh thần đổi mới giáo dục hiện diện ở hầu hết các nơi. Chất lượng giáo dục và đào tạo các cấp học, bậc học không ngừng được nâng cao”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đạt được nhiều kết quả tích cực của chu trình triển khai 5 năm đầu. Chất lượng giáo dục phổ thông và giáo dục đại trà ngày càng gia tăng. Tự chủ đại học đang được triển khai sâu rộng với những chuyển biến tích cực.
Theo Bộ trưởng, những thành quả trên có được nhờ sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, tổ chức liên quan, sự vào cuộc tích cực của địa phương, sự quan tâm của toàn xã hội, người dân, các vị phụ huynh… trong đó có sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành, mà nòng cốt là lực lượng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Cả nước hiện nay có khoảng 1,6 triệu nhà giáo và xấp xỉ 1 triệu cựu giáo chức ở tất cả các cấp học và loại hình đào tạo. Bộ trưởng khẳng định, về cơ bản trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, tinh thần nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, ngành Giáo dục đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc sử dụng lực lượng giáo viên phục vụ cho việc triển khai các nhiệm vụ lớn của ngành như tình trạng thiếu giáo viên, cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối; dù đã được quan tâm cải thiện song thu nhập của nhiều nhà giáo còn thấp so với mức sống trung bình của người dân, đặc biệt giáo viên mầm non, tiểu học.
Chia sẻ về quá trình xây dựng và trình dự án Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Ngày 9/11, sau khi Luật Nhà giáo được trình bày tại QH, có nhiều ý kiến đóng góp tích cực để hoàn thiện Luật đã được trao đổi tại các phiên thảo luận tổ. Đặc biệt, trong phát biểu thảo luận tại tổ đại biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định vai trò quan trọng của nhà giáo và nhấn mạnh “Phải làm sao để người thầy đón nhận Luật Nhà giáo thực sự phấn khởi, thực sự là tôn vinh”.
Sự quan tâm đến việc phát triển đội ngũ Nhà giáo cũng được đồng chí thể hiện tại sự kiện Tổng Bí thư gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân dịp 20/11. Tại đây, trong phát biểu chỉ đạo của mình, Tổng Bí thư đã chỉ rõ “tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo”.
“Sáng nay, đúng ngày 20/11, tại phiên thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Nhà giáo, rất nhiều ý kiến góp ý, trao đổi của đại biểu Quốc hội; trong thể hiện tinh thần chăm lo, tôn vinh đội ngũ nhà giáo. Các góp ý sâu sắc, thẳng thắn để Ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, cùng mục tiêu chung tay, phát triển đội ngũ nhà giáo”, Bộ trưởng cho hay.
Xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo với chất lượng cao nhất
Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội gửi lời chúc mừng đến các quý vị đại biểu và toàn thể các thầy, cô giáo trên mọi miền của Tổ quốc tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận, những ngày này, trên khắp mọi miền của đất nước, đội ngũ thầy, cô giáo, những người làm công tác quản lý giáo dục ấm lòng hơn khi được đón nhận nhiều tình cảm quý trọng, chân thành và lòng tri ân sâu sắc của các thế hệ học trò và của cả xã hội.
“Trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa nhiều hình ảnh xúc động, lay động lòng người về những tấm gương thầy giáo, cô giáo ở Hòa Bình, ở Lào Cai, ở Phú Thọ… đã lặng lẽ, tự nguyện, kiên trì cống hiến hy sinh cho sự nghiệp trồng người, tất cả vì học sinh thân yêu”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Dù ở đâu đó, còn rất ít những hình ảnh, sự việc làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo nhưng Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đó chỉ là thiểu số, “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Vị trí, vai trò của người thầy đã được khẳng định chắc chắn trong đời sống xã hội nói chung và trong chính cuộc đời mỗi người nói riêng.
Dân tộc ta có truyền thống hiếu học, tôn sư – trọng đạo, truyền thống ấy được gìn giữ, trao truyền, vun đắp qua các thế hệ, trở thành đạo lý tốt đẹp, nét văn hóa đặc sắc. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, người Thầy là biểu tượng của tri thức, trí tuệ và đạo đức, là nhân tố quyết định sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước.
Cùng với sự chăm lo của cả hệ thống chính trị và sự quan tâm của toàn xã hội, đội ngũ nhà giáo đã có bước phát triển lớn mạnh, với nhiều nhà giáo giỏi, tận tâm với nghề. Các thế hệ thầy giáo, cô giáo đã nỗ lực, sáng tạo đóng góp to lớn cho sự nghiệp “trồng người”, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Nhiều thầy, cô giáo đã hy sinh tuổi thanh xuân, công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều khóa luôn có nhiều đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Với sự tâm huyết, yêu nghề và am hiểu thực tiễn sâu sắc, các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã có đóng góp lớn trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo.
Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã từng bước được hoàn thiện, bao quát những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất, tạo hành lang pháp lý cho việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hoạt động giám sát về giáo dục và đào tạo được Quốc hội chú trọng thường xuyên. Đặc biệt, việc giám sát thông qua chất vấn và trả lời chất vấn đã được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm; kịp thời phản ánh thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng của cử tri tại diễn đàn Quốc hội.
Kết quả giám sát đã cung cấp thông tin quan trọng, phục vụ trực tiếp cho công tác thẩm tra các dự án luật; kịp thời chấn chỉnh những bất cập, hạn chế và đưa ra những quyết sách quan trọng, giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Tự hào về những đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ trăn trở, suy tư về việc thể chế hoá một số chủ trương của Đảng về nhà giáo chậm được ban hành; hệ thống pháp luật có liên quan tới nhà giáo còn rườm rà, phức tạp.
Chính sách chăm lo, phát triển cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên công tác ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn còn nhiều bất cập. Cơ cấu, số lượng đội ngũ nhà giáo chưa hợp lý, chất lượng chưa đồng đều. Tình trạng, thừa thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều nơi, chưa được giải quyết căn cơ. Tình trạng giáo viên xin nghỉ việc có xu hướng tăng.
Ngoài ra, các điều kiện bảo đảm cho nhà giáo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn hạn chế. Đến nay tỉ lệ phòng học chưa kiên cố hoá còn cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, nhất là ở khu vực miền núi, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Bộ GDĐT, các cơ quan có liên quan, các địa phương tập trung xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo với chất lượng cao nhất, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng; có chính sách đặc thù, vượt trội để tôn vinh, bảo vệ nhà giáo; tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo làm việc, khuyến khích sự sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp, phát triển chuyên môn nghiệp vụ; bảo đảm đời sống để nhà giáo yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghề.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về nhà giáo; chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, công bằng.
“Tôi mong muốn mỗi thầy giáo, cô giáo sẽ luôn là tấm gương sáng về đạo đức, ứng xử văn hóa; nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, tâm huyết, trách nhiệm, yêu nghề, thương trò; không ngừng nỗ lực trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần quán triệt tinh thần phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngày 18/11/2024 vừa qua là: mục tiêu cao nhất hiện nay phải tập trung thực hiện bằng được “hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội 14 của Đảng”.