Blog

Hành trình tiên phong chuyển đổi số

icon icon

Bộ GDĐT khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 29 tại tỉnh An Giang

Ngày 25/9, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã làm việc tại tỉnh An Giang về tình hình thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Cùng tham gia đoàn có Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa.

Tại đây, đoàn đã tới khảo sát tại Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu, Trường THCS Định Thành, huyện Thoại Sơn và làm việc với Tỉnh uỷ An Giang.

Nhiều chuyển biến căn bản nhưng chưa toàn diện

Báo cáo của Tỉnh uỷ An Giang đánh giá: Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, công tác đổi mới giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đã tạo chuyển biến căn bản, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.

Bộ GDĐT khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 29 tại tỉnh An Giang

Bộ GDĐT khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 29 tại tỉnh An Giang

Công tác đổi mới giáo dục và đào tạo có chuyển biến, từng bước xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp gắn với phong trào thi đua dạy tốt, học tốt và quản lý tốt; đa dạng hóa hình thức giáo dục gắn với học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; từng bước đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực để nâng cao chất lượng, chuẩn hóa, hiện đại hóa hệ thống giáo dục và đào tạo.

10 năm thực hiện Nghị quyết 29, các mục tiêu giáo dục mầm non của tỉnh An Giang cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 79,96% (chỉ tiêu 70%); riêng mẫu giáo 5 tuổi đạt 100% (chỉ tiêu 99%); cơ bản đảm bảo được học 2 buổi/ngày.

Đối với giáo dục phổ thông, tỷ lệ huy động đi học tiểu học đạt 100% (chỉ tiêu 100%); trung học cở sở đạt 93,86% (chỉ tiêu 80%); trung học phổ thông và tương đương đạt 67,74% (chỉ tiêu 50%).

Tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, tiến tới phổ cập trung học bền vững. Triển khai có hiệu quả Đề án xóa mù chữ: 11/1 1 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 7/11 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Tuy nhiên, ở bậc mầm non và phổ thông, mục tiêu xã hội hoá phát triển hệ thống ngoài công lập đều không đạt chỉ tiêu. Cụ thể, ngành học mầm non có 19/198 trường, tỷ lệ 9,59% (chỉ tiêu 25%);  cấp tiểu học có 0/311 trường, tỷ lệ 0% (chỉ tiêu 2%); cấp trung học cơ sở có 0/155 trường, tỷ lệ 0% (chỉ tiêu 5%); cấp trung học phổ thông có 3/54 trường, tỷ lệ 5,55% (chỉ tiêu từ 7% đến 10%).

Tỷ lệ học sinh tiểu học và trung học học 2 buổi/ngày còn thấp do điều kiện trường lớp chưa đảm bảo. Trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia đạt 42,09% (chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 50%). Vẫn còn các cơ sở giáo dục quy mô nhỏ, ảnh hương đến việc sẳp xếp tố chức, bộ máy và con người.

Riêng với việc thực hiện Chương trình giáo dục phố thông 2018, báo cáo của Tỉnh uỷ An Giang nhìn nhận: cơ sở vật chất còn thiếu, chưa thể đáp ứng đủ các điều kiện để triển khai tốt tất cả các nội dung cua Chương trình. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Thực hiện mục tiêu về giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh An Giang đạt 68% (chỉ tiêu 65%); lao động qua đào tạo nghề đạt 60% (chỉ tiêu 60%).

4 bài học kinh nghiệm, 7 nhiệm vụ và giải pháp

Báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Tỉnh uỷ An Giang cũng đề cập tới 4 bài học kinh nghiệm của địa phương này. Trước hết là chú trọng, tăng cường kiểm tra công tác quản lý của các cơ sở giáo dục, qua đó nhân rộng các nhân tố điển hình, phát hiện và xử lý kịp thời những hạn chế, thiếu sót, những hành vi vi phạm.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các quy định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ động hơn trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách. Công tác truyền thông, giáo dục, vận động phải tiến hành thường xuyên, liên tục, hình thức phong phú.

Tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp với các ngành chức năng trong quá trình triến khai thực hiện nhiệm vụ của ngành, kịp thời đề xuất chủ trương giải quyết khó khăn, không để kéo dài.

Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên theo hướng tăng cường tính chủ động, linh hoạt trong các hoạt động giáo dục. Kiên quyết chấn chính, xử lí nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo.

Nhằm tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh An Giang đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, sở, ngành và tổ chức chính trị – xã hội đối với giáo dục và đào tạo.

Đổi mới công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo và đối mới quản trị trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Sắp xếp và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học đồng bộ với kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học; tập trung thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt hiệu quả. Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường tự chủ trong các cơ sở giáo dục.

Tỉnh An Giang đề xuất Chính phủ hỗ trợ nguồn ngân sách trung ương để thực hiện chương trình đảm bảo vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông; Chính phủ quan tâm hơn nữa việc tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi để khuyến khích công tác xã hội hoá giáo dục; Chính phủ đề xuất Bộ Chính trị quan tâm chưa đưa giáo viên vào diện tinh giản biên chế chung cho đến hết năm 2025 – khi ngành Giáo dục hoàn thành thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về kiến nghị liên quan đến tinh giản biên chế giáo viên, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chia sẻ quan điểm: Không nên giảm biên chế cào bằng 10% với những ngành đặc thù như giáo dục. Ông Bình cũng cho rằng, muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì sĩ số học sinh/lớp phải giảm nhưng nếu giảm biên chế giáo viên sẽ dẫn tới tăng sĩ số học sinh/lớp, như vậy sẽ đặt ra khó khăn cho việc từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhiều khó khăn, thử thách nhưng thể hiện quyết tâm đầu tư cho giáo dục

Phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh uỷ An Giang, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định: An Giang là tỉnh có vị trí quan trọng trong khối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với số lượng cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổthông, số người đi học thuộc nhóm đầu trong vùng. Mặc dù là địa bàn có nhiều khó khăn, thử thách, song An Giang đã có nhiều cố gắng, thể hiện sự quyết tâm đầu tư cho giáo dục, kết quả giáo dục cũng luôn trong vị trí dẫn đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Bộ trưởng, nhìn tổng quan, tỉnh An Giang đã triển khai tốt tinh thần quan trọng của Nghị quyết 29, đem lại hiệu quả, sự đổi mới tích cực và nâng cao chất lượng trên địa bàn. Trong điều kiện hạn hẹp song tỉnh rất cố gắng đầu tư, đã có những dự án nhằm tăng cường các điều kiện cho đổi mới giáo dục, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Với báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của tỉnh An Giang, Bộ trưởng đề nghị cần bổ sung, phân tích làm rõ góc độ tài chính, đầu tư cho giáo dục; nhấn mạnh thêm nội dung về giáo dục dân tộc; giáo dục mầm non, đặc biệt là tỷ lệ huy động trẻ, nhà trẻ đến trường; bổ sung phù hợp các kết quả về chuyên môn giáo dục vì đây là hồn cốt đổi mới.

“Trong thời gian sắp tới, mong lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo hệ thống chính trị đã quan tâm, sẽ tiếp tục quan tâm tới giáo dục. Phát triển con người là quá trình liên tục và 10 năm qua là một chặng trong quá trình liên tục đó”, chia sẻ điều này, Bộ trưởng mong muốn tỉnh An Giang tiếp tục có thêm các nghị quyết chuyên đề như: về đẩy mạnh xã hội hoá, đầu tư về phát triển đội ngũ, sắp xếp lại hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục…

Tiếp tục thực hiện tăng cường cơ sở vật chất theo hướng hiện đại hoá, bởi không thể có chất lượng giáo dục như mong muốn nếu không có cơ sở vật chất đầy đủ. Theo Bộ trưởng, Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng đi kèm với cở sở vật chất, công nghệ hiện đại, tuy nhiên đây không phải là việc một sớm một chiều mà cần có kế hoạch từng bước, căn cứ các một số chỉ tiêu để đề xuất phù hợp.

Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh An Giang tập trung thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tâm điểm là đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; quan tâm tới an toàn trường học… Đồng thời tăng cường các kiến nghị, trong đó có việc tinh giản biên chế 10% với ngành Giáo dục và kiến nghị “không cào bằng” chính sách giữa các địa phương, vùng miền, đối tượng.

“Trong công cuộc đổi mới giáo dục, Bộ GDĐT là đơn vị đề xuất chính sách ở tầm vĩ mô, còn tác giả của đổi mới, làm nên thành công của đổi mới phụ thuộc vào cấp triển khai, đó là cấp tỉnh, thành phố. Mong rằng giáo dục An Giang tiếp tục vượt qua khó khăn, tiếp tục gặt hái thành quả tốt hơn nữa trong thời gian tới”, Bộ trưởng gửi gắm.

Phát biểu cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Đoàn công tác Bộ GDĐT, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng: Quá trình khảo sát của Đoàn đã đặt ra nhiều vấn đề, định hướng cho Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh trong thời gian tới cần làm gì cho giáo dục, chỉ đạo giáo dục sát thực hơn nữa và ngành Giáo dục cũng từng bước nâng cao chất lượng giáo dục như tinh thần Nghị quyết 29.

Chia sẻ về một số khó khăn khách quan của địa phương trong xây dựng trường chuẩn quốc gia, xã hội hoá giáo dục nhằm giảm áp lực cho hệ thống giáo dục công, ông Nguyễn Thanh Bình đề xuất, cần có cơ chế đặc thù dành cho những tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư cho giáo dục.

Thực hiện tốt từng năm học, làm tốt từng việc… là thực hiện tốt Nghị quyết 29

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GDĐT đã đến khảo sát thực tế tại Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu và Trường THCS Định Thành, huyện Thoại Sơn.

Năm học 2023-2024, Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu có 36 lớp với gần 1.295 học sinh và 124 cán bộ giáo viên. 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, nhà trường đã đạt được những kết quả vững chắc. Kết quả rèn luyện, học tập của học sinh hằng năm đạt khá, tốt hơn 98%; kết quả thi tốt nghiệp THPT duy trì đạt 100% nhiều năm liền, tỷ lệ học sinh đỗ đại học hàng năm đạt trên 97%; học sinh giỏi thi Olymipic của Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu đứng top 3 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với Trường THCS Định Thành, huyện Thoại Sơn, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 chuyển biến rõ nét nhất là ý thức học tập của học sinh ngày càng được nâng lên, rút ngắn khoảng cách về chất lượng giữa các nơi trong huyện; tính chủ động, tích cực trong học tập của học sinh được thể hiện thông qua từng tiết học trên lớp; học sinh chăm ngoan, lễ phép, khả năng giao tiếp tốt hơn so với các năm học trước.

Khảo sát tại 2 trường, Đoàn công tác của Bộ GDĐT đã trao đổi làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan đến quá trình triển khai Nghị quyết 29 như nhận thức, tâm thế sẵn sàng của đội ngũ giáo viên khi triển khai đổi mới; việc tập huấn, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá…

Ghi nhận sự nỗ lực của các nhà trường trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, mục tiêu đổi mới lớn, sâu rộng, công việc đổi mới vẫn còn nhiều ở phía trước. Do đó, cần sẵn sàng chuẩn bị cho quá trình đổi mới tiếp theo.

Đối với đội ngũ nhà giáo, Bộ trưởng lưu ý địa phương về vấn đề tuyển dụng, tập huấn, bồi dưỡng… đặc biệt là việc hỗ trợ chuyên môn cho các thầy cô, qua đó phát huy được sự chủ động, sáng tạo theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. “Giáo viên trong quá trình thay đổi cần được động viên, hỗ trợ để vượt qua giai đoạn thử thách này và quan trọng là giáo viên hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau đổi mới”, Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là cơ hội nhưng cũng là thách thức, do đó, các nhà trường khi thực hiện tốt từng năm học, làm tốt từng việc, ngày hôm sau tốt hơn hôm trước, năm học sau tốt hơn năm học trước… chính là đã thực hiện tốt Nghị quyết 29, thực hiện tốt những vấn đề lớn của ngành, của quốc gia.

Tại Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu và Trường THCS Định Thành, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã tặng 50 máy tính xách tay cho học sinh khó khăn của mỗi trường.

Theo Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

Đối tác tin cậy của chúng tôi

Luôn đồng hành và hợp tác cùng chúng tôi để mang lại những sản phẩm tốt nhất.