Năm học 2023 – 2024, ngành giáo dục đối mặt nhiều khó khăn cần giải quyết về thiếu giáo viên, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới, đổi mới thi cử.
Hơn 23 triệu học sinh cả nước đã bước vào năm học mới 2023 – 2024. Để có được năm học thành công, ngành giáo dục sẽ phải tập trung giải quyết các vấn đề lớn như: lương giáo viên thấp, tỷ lệ bỏ việc vẫn tiếp diễn; tình trạng quá tải sĩ số học sinh/lớp vẫn tồn tại ở hầu hết các thành phố lớn; đổi mới chương trình sách giáo khoa, phổ thông mới.
Thiếu trầm trọng giáo viên
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện ngành giáo dục có 1.234.124 giáo viên mầm non và phổ thông. Cả nước còn thiếu 118.253 thầy cô đứng lớp, trong đó, mức thiếu so với năm 2022 ở từng cấp cụ thể. Cấp mầm non tăng 7.887 giáo viên, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207, cấp THPT tăng 2.045 người.
Bên cạnh việc thiếu giáo viên, ngành giáo dục cũng đối diện với bài toán hơn 9.000 giáo viên nghỉ việc. Năm học vừa qua, làn sóng giáo viên nghỉ việc ở các trường công lập chiều hướng tiếp diễn. Trong 19.300 giáo viên nghỉ có tới 9.295 giáo viên nghỉ việc, còn lại 10.094 thầy cô nghỉ hưu theo chế độ. Năm học 2021 – 2022, có 16.265 giáo viên nghỉ việc. Trong đó, riêng khối trường công lập có 10.407 giáo viên nghỉ.
Tương tự như năm học trước, số giáo viên bỏ ra khỏi ngành chủ yếu tập trung ở các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương… Ở khu vực này, giáo viên có nhiều lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn.
Hầu hết lý do các giáo viên nghỉ việc để chuyển sang làm việc ở các trường tư thục hoặc chuyển sang làm việc ở các lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn. Một số ít địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn như: Gia Lai, Sơn La… số giáo viên nghỉ việc do lương, trợ cấp còn thấp, trong khi khối lượng công việc nhiều do địa bàn dân cư thưa thớt, di chuyển đi dạy quá xa.
Mặt khác, một số ít trường, cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa dân đến tỷ lệ giáo viên nghỉ việc tiếp tục gia tăng.
Vào tháng 9/2015, tổng số học sinh khi bắt đầu năm học mới là trên 19 triệu em, đến tháng 9/2022, con số này là hơn 23 triệu học sinh.
Trong khi đó, năm 2015 cả nước có 1.156.000 giáo viên, đến tháng 9/2022 là 1.227.000 giáo viên. Như vậy, sau 5 năm số giáo viên tăng hơn 100.000 người còn số học sinh tăng thêm 3 triệu em.
Không chỉ thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, cơ cấu đội ngũ nhà giáo đang mất cấn đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.
Ngoài nguyên nhân lượng giáo viên nghỉ việc lớn, thì số lượng trẻ đến trường năm học 2022 – 2023 tăng thêm 132.245 trẻ (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên) là áp lực lớn ngành đang phải gánh.
Cùng với đó, cấp tiểu học, tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 – 2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên). Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 người).
Chương trình phổ thông mới rối ren
2023 – 2024 là năm học thứ tư triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu ở các lớp 4, 8, 11, tuy nhiên việc thực hiện các môn tích hợp, tổ hợp môn gây tranh cãi liên tục trong các năm qua.
Theo chương trình mới, học sinh THCS không còn học các môn Sinh học, Vật lý, Hoá học, Lịch sử, Địa lý như trước đây. Thay vào đó, các em học hai môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Hai môn này được gọi là môn tích hợp, liên môn.
Hầu hết các giáo viên, các trường đều than khó việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, trong khi họ được đào tạo để dạy từng môn. Hiện nhiều trường trên cả nước áp dụng cách thức “giáo viên môn nào dạy môn nấy”. Điều này khiến môn tích hợp chưa giúp học sinh phát triển toàn diện như mục tiêu đặt ra.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn từng thừa nhận việc dạy các môn tích hợp, liên môn là một trong những khó khăn nhất khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, là “điểm vướng, nghẽn, khó”. Thực tế có giáo viên đủ năng lực dạy được các hợp phần trong môn tích hợp nhưng phần nhiều vẫn dạy theo hợp phần riêng, sách giáo khoa cũng theo phần riêng biệt. Ở những vùng khó khăn, dẫu đã được tập huấn, dạy những môn học này vẫn là thách thức lớn với giáo viên.
“Khả năng cao trong thời gian ngắn sắp tới, Bộ sẽ đưa ra điều chỉnh với việc dạy các môn tích hợp ở bậc THCS”, ông Sơn nói. Bộ sẽ tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia để cân nhắc kỹ lưỡng. Những điều chỉnh nếu có sẽ được xem xét để không ảnh hưởng đến những chuẩn bị trong thời gian qua, không gây xáo trộn, tạo thuận lợi và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.
Trước đó, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội ngày 27/7, ông Sơn cho biết việc dạy môn tích hợp trước mắt sẽ có hai con đường. Một là quay về như cũ thành các đơn môn. Hai là vẫn kiên trì đổi mới, tính toán một lộ trình đến khi giáo viên cũ được tập huấn đầy đủ và sẽ hoàn tất. Ông cho rằng phải xem đây là vấn đề chuyên môn và cần quá trình triển khai chứ không phải đặt ra yêu cầu về thời gian, tháng mấy phải làm xong vấn đề này.
Biên soạn bộ sách giáo khoa riêng
Tháng 8/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương đưa ra giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra trong triển khai chương trình phổ thông, sách giáo khoa mới, trong đó có việc chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.
Việc Bộ GD&ĐT nên biên soạn 1 bộ sách giáo khoa riêng hay không hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Hiện cả nước có 6 nhà xuất bản và 3 tổ chức đủ điều kiện tham gia biên soạn sách giáo khoa, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước.
“Nếu thời điểm này Bộ GD&ĐT biên soạn thêm một bộ sách sẽ làm hạn chế xã hội hóa, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng và tốn kém cho xã hội, đặc biệt sẽ làm chính sách chống độc quyền thất bại”, TS Nguyễn Hồng Quang, Đại học Sư phạm Hà Nội lo lắng. Thay vì Bộ GD&ĐT sử dụng ngân sách biên soạn thêm một bộ sách thì nên tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo chủ trương đã được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 122.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, nhà nước nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc. Đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là học liệu, công cụ để hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.
“Chương trình là duy nhất, thống nhất; học liệu là đa dạng và linh hoạt. Vậy có cần một bộ sách giáo khoa, tức một bộ học liệu của nhà nước hay không?”, Bộ trưởng Sơn đặt câu hỏi. Cũng theo ông Sơn, việc này khác với nội dung nghị quyết 122 năm 2020. Bộ chỉ tổ chức biên soạn sách khi không có tổ chức và cá nhân nào biên soạn. Thực tế, tất cả môn học đều có sách của các tập thể, cá nhân biên soạn.
Việc Bộ biên soạn một bộ sách nữa không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa mà còn có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới.
Đại học khốn khó vì không được tăng học phí
Cuối tháng 7/2023, Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương hoàn thiện sửa đổi nghị định 81 theo hướng không tăng học phí năm học 2023 – 2024.
Đến nay dù đã bắt đầu vào năm học mới, Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành chính sách học phí mới theo yêu cầu của Chính phủ khiến các trường đại học loay hoay trong việc xác định học phí. Đồng thời, theo tinh thần của Chính phủ, đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp (năm 2021, 2022, 2023) không tăng học phí, điều này khiến các trường gặp khó khăn trong vận hành.
Không chỉ vậy, từ sau ngày 1/7, Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức giảng viên lên mức 1.800.000 đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở trước đó – 1.490.000 đồng/tháng. Để đáp ứng được chính sách tăng lương cho giảng viên theo quy định chung, các trường đại học dự chi ngân sách mỗi năm sẽ tăng lên vài chục tỷ đồng đến cả trăm tỷ đồng.
Mức thu học phí không tăng, nhưng lương giảng viên, nhân viên lại tăng khiến ngân sách các trường đại học ngày càng eo hẹp.
Để ứng phó với tình hình khó khăn này, hầu hết các trường đều quyết định cắt giảm tối đa các hoạt động, sự kiện hội nghị, hội thảo, chào mừng không cần thiết, giảm chi tiêu để duy trì hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, trong đó duy trì lương ổn định cho giảng viên là bài toán quan trọng nhất.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nói, học phí là nguồn thu chính của các trường, chiếm tỷ trọng 50 -90% nguồn thu, năm học 2023 – 2024 không tăng học phí là thách thức lớn cho các trường.
Trường đại học đóng vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lực khoa học công nghệ, có sứ mệnh thực hiện một trong ba đột phá chiến lược. Đây cũng là lĩnh vực chịu tác động lớn trong ba năm qua do đại dịch COVID-19 và các vấn đề khác, chịu sức ép cạnh tranh toàn cầu.
Mặt khác, các chính sách về học phí (Nghị định 60 và Nghị định 81) hiện chưa thực hiện được. Nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học không tăng trong ba năm nay. Trong điều kiện giá cả tăng, đây là thách thức lớn để giữ chân đội ngũ giảng viên, giáo viên.
Để hỗ trợ các trường, Bộ GD&ĐT nỗ lực đảm bảo chi thường xuyên cho giáo dục đại học, chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đại học. “Bộ cũng sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các trường trong bối cảnh khó khăn 3 năm liền không tăng học phí, giống như hỗ trợ doanh nghiệp”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Việc không tăng học phí năm học 2023 – 2024 không tác động, ảnh hưởng nhiều đến giáo dục phổ thông, bởi đây không phải nguồn thu chính của cấp học này. Giáo dục phổ thông mang tính phúc lợi, do ngân sách Nhà nước đảm bảo, do vậy Thứ trưởng Bộ GD&ĐT mong muốn địa phương quan tâm hơn để giáo viên yên tâm làm nghề, khắc phục và giảm thiểu hiện tượng giáo viên nghỉ việc.
Phương án thi tốt nghiệp mới
Theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT phải sớm hoàn thiện phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi, áp dụng cho lứa học sinh lớp 12 đầu tiên tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Dự kiến ban hành đầu năm học 2023 – 2024.
Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thi bốn môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Với hệ giáo dục thường xuyên, số môn thi bắt buộc là ba, không có Ngoại ngữ. Ngoài ra, học sinh phải chọn thêm hai môn khác trong 7 môn là Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
So với hiện tại, tổng số môn thi không đổi, nhưng thay vì chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), thí sinh chọn hai môn theo nhóm môn đã đăng ký học ở trường. Ngữ văn vẫn là môn duy nhất thi tự luận trên giấy, còn lại trắc nghiệm.
Ngoài ra, Bộ dự kiến giai đoạn 2025 – 2030 thí điểm thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm ở một số địa phương. Sau năm 2030, tất cả 63 tỉnh, thành đủ khả năng tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính.
Bộ trưởng GD&ĐT cho biết: “Phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ chung đề, chung đợt, cho học sinh tự quyết định chọn môn học để dự thi tốt nghiệp trong số các môn học lựa chọn. Đây là phương án cơ bản đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, phù hợp với cách thức chọn môn học lựa chọn của học sinh”.
Hầu hết học sinh, giáo viên đều mong Bộ sớm ban hành phương án thi tốt nghiệp mới vì đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho học sinh trong việc định hướng chọn tổ hợp môn học đối với lớp 10 năm học 2022 – 2023; giáo viên lúng túng điều chỉnh cách dạy học, phương thức thi, kiểm tra đánh giá.
Theo VTC News